Nguồn cung rất dồi dào
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh phía Nam bàn giải pháp sản xuất, cung ứng nông sản trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) khẳng định, nguồn lương thực thực phẩm cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Nam và TP.HCM vẫn tương đối dồi dào.
Diện tích rau tại các tỉnh phía Nam lên tới 537 nghìn ha, năng suất gần 200 tạ/ha, sản lượng 10,7 triệu tấn (vùng ĐBSCL đạt 290 nghìn ha, năng suất 190 tạ/ha, sản lượng 5,5 triệu tấn). Bình quân mỗi tháng, vùng ĐBSCL cung cấp cho thị trường 433 nghìn tấn rau, chủ yếu cho tiêu thụ nội địa với khoảng 18 triệu người vùng ĐBSCL và 10 triệu người TP.HCM.
Ông Hòa cho biết, tại các tỉnh phía Nam, sản lượng thịt lợn bình quân mỗi tháng năm 2021 là 93.840 tấn/tháng; thịt gà đạt 30.492 tấn/tháng; thịt vịt, sản lượng bình quân là 10.860 tấn/tháng. Riêng trứng gia cầm, sản lượng bình quân mỗi tháng ở khu vực này đạt 455 triệu quả. Ngoài ra, sản lượng tôm sú đạt 113.000 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258.000 tấn,...
TP.HCM đang thiếu hụt lượng lớn rau củ, trứng gia cầm (ảnh: TL) |
Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, Long An cũng khẳng định, sản lượng lương thực, thực phẩm tại các tỉnh này rất dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu trong tỉnh và một phần cho TP.HCM. Song, việc vận chuyển lưu thông đang gặp khó khăn. Nhiều nơi nông sản đến kỳ thu hoạch mà không biết bán cho ai.
Trong khi đó, tại TP.HCM, Giám đốc Sở NN-PTNT Đinh Minh Hiệp chia sẻ, sau khi các chợ đầu mối lớn trên địa bàn đóng cửa do có các ca nhiễm Covid-19, nguồn nông sản, thực phẩm cho thành phố bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Cũng theo ông Hiệp, hiện nhu cầu của thành phố đang thiếu 1.500 tấn rau củ, 300.000-400.000 quả trứng/ngày.
Do nguồn cung ứng bị gián đoạn nên giá lương thực, thực phẩm trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7/2021 trên địa bàn TP.HCM đều tăng so với các tháng trước đó. Cụ thể, giá lương thực tăng 0,46%; giá thực phẩm tăng 0,37% so tháng trước, trong đó rau củ quả tăng mạnh do việc vận chuyển khó khăn, nguồn cung về chợ giảm, ông Hiệp cho hay.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, chúng ta có hệ sinh thái sản xuất 13.500 doanh nghiệp, cộng với hơn 34.400 trang trại, 78 liên minh HTX, 17.500 HTX, hơn 8,6 triệu hộ nông dân kết thành mạng lưới sản xuất nông nghiệp vô cùng bền vững.
“Vào cuối năm ngoái, lũ chồng lũ, bão chồng bão cùng với dịch Covid-19, chúng ta vẫn đảm bảo được nguồn cung lương thực thực phẩm cho người dân trong nước và cho xuất khẩu. Bây giờ cũng vậy, sản xuất vẫn đảm bảo nguồn cung, không lo thiếu”, ông Tiến nói.
Tuy nhiên, ông Tiến thừa nhận, khâu lưu thông hàng hóa đang gặp vấn đề. Thế nên, gà công nghiệp từ mức giá 28.000 đồng/kg giảm xuống còn 11.000 đồng/kg, lợn ở Đồng Nai không xuất được ra khỏi chuồng, trong khi dứa tại các tỉnh ĐBSCL chín đầy ruộng không ai mua.
Cần phải tổ chức tốt khâu lưu thông để không xảy ra tình trạng nơi thiếu phải mua giá cao, nơi thừa bán giá rẻ (ảnh: TL) |
Thống nhất quy định chung cho “luồng xanh”
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong lưu thông phân phối hàng hóa, chúng ta phải chủ động. Bài học kinh nghiệm giãn cách ở Hà Nội năm 2020 cho thấy, chỉ sau 2 ngày thực hiện, nguồn cung lương thực thực phẩm tăng 300%. Hiện Hà Nội chuẩn bị cho phương án thực hiện cách ly, nguồn cung dự trữ cũng tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Các kênh phân phối ở siêu thị, chợ và kể cả sàn thương mại điện tử đều sẵn sàng.
Hay như bài học từ vụ vải thiều. Dự báo sản lượng 245.000 tấn, nhưng sau thống kê lên tới trên 300.000 tấn, chúng ta vẫn tiêu thụ hết trong một thời gian rất ngắn, đạt hiệu quả cao cả về sản lượng và kinh tế. Đó là bởi kịch bản đã có sẵn, tạo được luồng xanh nên vải thiều thông thương, không bị ùn ứ.
“Bây giờ, chúng ta có luồng xanh toàn quốc, kể cả đường bộ và giao thông đường thủy nội địa. Vấn đề là thực hiện thì phải thống nhất chung”, ông Tiến nói.
Theo đó, hàng đi qua các chốt kiểm dịch áp dụng test nhanh hay là giấy xét nghiệm? Nếu là giấy xét nghiệm thì giá trị trong 3 ngày, 5 ngày hay 7 ngày phải thống nhất rõ ràng, từ đó tạo căn cứ cho các tỉnh thành. Đây chính là mấu chốt để chúng ta có luồng xanh quốc gia thông suốt đưa nông sản từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ.
Ông Tiến nói thêm, với tình hình hiện nay, yêu cầu cấp bách không chỉ là lưu thông nông sản mà còn cả vật tư nông nghiệp. Có như vậy mới đảm bảo được chu kỳ sản xuất tiếp theo.
“Nếu chỉ tập trung vào phòng chống dịch, không tập trung vào sản xuất thì mục tiêu kép sẽ không đạt được. Lúc đó sẽ khó khăn do thiếu nguồn cung nông sản cho thị trường trong nước và cả cho xuất khẩu. Thế nên, các địa phương cần phải quan tâm hơn nửa tới sản xuất, không thể để đứt gãy”, ông Tiến nhấn mạnh.
Tâm An
Gà ế, chủ trại phải bán giá rẻ như cho chỉ 11.000 đồng/kg
Giá gà công nghiệp bán tại các trại ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu rớt thê thảm chỉ còn 11.000 đồng/kg, người nuôi thua lỗ nặng.