Trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ KH&CN về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề tồn đọng cần giải quyết, Thủ tướng nhận định: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KHCN), luôn coi KHCN là quốc sách hàng đầu.

Qua hơn 30 năm đổi mới của đất nước, KHCN đã từng bước khẳng định vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. KHCN hiện hữu trong tất cả các ngành, lĩnh vực, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhận thức đầy đủ về vai trò của KHCN, đi đôi với sự quan tâm đúng mức, cụ thể, thiết thực của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị là vấn đề quan trọng số một để KHCN có thể phát triển và thực hiện tốt vai trò của mình.

{keywords}
Ảnh minh họa

Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức: Từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đất nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với tinh thần thượng tôn pháp luật, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, xu hướng già hóa dân số, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh… thì KHCN lại càng phải thực hiện tốt hơn vai trò động lực, dẫn dắt của mình. Trước hết phải kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình thay đổi, xây dựng cơ sở dữ liệu để phân tích, đánh giá, dự báo đúng xu thế, tham mưu với Đảng, Nhà nước trong các lĩnh vực công tác, từ nghiên cứu lý luận đến hoạch định chính sách, xây dựng thể chế, pháp luật để điều chỉnh và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các hoạt động khác của xã hội.

Thời gian qua, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn cả về nguồn nhân lực và điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất, nhưng ngành KHCN đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách và đã đạt được nhiều thành tích có ý nghĩa, góp phần đáng kể vào thành tích chung của cả nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Nguồn lực KHCN của đất nước còn manh mún, chia cắt, chưa được huy động một cách có hệ thống, tổng thể và liên thông, kết nối để có thể phát huy sức mạnh tổng hợp cho phát triển; đóng góp của ngành cho phát triển kinh tế-xã hội là rất đáng kể, nhưng chưa tương xứng với vai trò động lực cũng như tiềm lực và yêu cầu đặt ra; thị trường KHCN còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết; đội ngũ KHCN vừa thiếu, vừa thừa, còn mỏng, kể cả trong lĩnh vực khoa học xã hội; chưa có nhiều công trình khoa học lớn tầm cỡ, tương xứng với truyền thống lịch sử và vị thế của đất nước.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do ngành KHCN còn chưa đủ nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt để vượt khó vươn lên; thể chế, cơ chế, chính sách còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; chiến lược phát triển còn thiếu trọng tâm, trọng điểm trong điều kiện nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp cả về cơ sở vật chất, tài chính, con người; công tác thi đua, khen thưởng, tôn vinh, ghi nhận, tạo động lực còn khiêm tốn, chưa kịp thời; công tác truyền thông còn hạn chế, chưa đủ để nhân dân, doanh nghiệp có thể hiểu, chia sẻ và có cảm hứng để tham gia tích cực hơn vào hoạt động phát triển KHCN.

Từ những kết quả tích cực và hạn chế, yếu kém nêu trên, có thể rút ra bài học kinh nghiệm, là ngoài việc tiếp tục nâng cao nhận thức một cách đầy đủ của toàn xã hội về vị trí, vai trò động lực, dẫn dắt của KHCN, toàn ngành KHCN phải phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tích cực, chủ động, sáng tạo để cùng nhau chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ngọc Dũng