Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, các sự cố hóa chất hiện đang có xu hướng xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt tại các tỉnh có nhiều khu công nghiệp với số lượng doanh nghiệp sản xuất, sử dụng, kinh doanh hóa chất tập trung đông. Sự cố hóa chất không chỉ được hiểu là các vụ rò rỉ, cháy nổ mà còn là các vụ xả nước thải có chứa hóa chất độc hại ra ngoài môi trường.
Không khó để nhận ra lí do nhiều dòng sông của Hà Nội hay các tỉnh thành có các khu công nghiệp đang chết dần. Ngoài việc phải tiếp nhận hàng trăm ngàn m3 nước thải sinh hoạt của người dân thì trong những ngày mưa gió, một số doanh nghiệp đã bất chấp hậu quả xả thải trộm nước thải/ hóa chất độc hại ra môi trường. Các sự vụ công an phải vào cuộc điều tra xuất hiện trên báo chí thời gian gần đây được coi là bề nổi của vấn đề. Bởi nhiều nhà máy dù có công trình xử lý nước thải/ xử lý hóa chất nhưng do việc vận hành tốn kém đã bất chấp hậu quả xả thải thẳng ra môi trường.
Chúng ta hãy thử truy nguồn hóa chất độc hại từ nơi phát sinh. Không khó để nhận ra các đầu cống đấu nối nước thải từ các khu công nghiệp đổ ra môi trường luôn có màu đen và mùi hôi thối khó chịu. Trong số nước thải ấy, hóa chất độc hại bị hòa lẫn, thấm chí bị xả trộm vào đường cống chung ra bên ngoài không phải là hiện tượng hiếm gặp. Với đặc tính của nhiều loại hóa chất độc hại, nguy hiểm như: tính ôxy hóa mạnh, ăn mòn mạnh, dễ cháy, độc cấp tính, độc hại đến môi trường... nên nước thải công nghiệp luôn có màu đen, bọt trắng xóa và thậm chí có thể cháy, nổ.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, lượng hóa chất sử dụng của Việt Nam đang tập trung tại các nhà máy của các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như: Đồng Nai, Bình Dương, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam… Theo quy định, các khu công nghiệp đều phải có nhà máy thu gom và xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường. Tuy nhiên, quy định vẫn là quy định còn thực tế thì không khó để người dân có thể nhận ra sự bất thường trong dòng nước thải đen ngòm chứa đầy hóa chất chảy ra từ các khu công nghiệp đổ ra những dòng sông.
Lấy sông Cầu Bây (chảy qua 2 quận huyện Long Biên và Gia Lâm, TP.Hà Nội) làm ví dụ, nước sông đen ngòm chứa đầy hóa chất tẩy rửa với bọt trắng xóa. Trước đây người dân hai bên bờ sông có thể lấy nước sông để canh tác nông nghiệp (trồng rau, trồng hoa) thì nay nước sông đang trở thành nỗi ám ảnh cho người dân sống hai bên bờ. Bên cạnh mùi xú uế nồng nặc thì mùi hóa chất mỗi khi trời nắng bốc lên, bay vào nhà khiến đời sống của người dân bị đảo lộn.
Trong khi đó, tại chính các doanh nghiệp hóa chất hoặc có sử dụng hóa chất cho mục đích sản xuất, việc ứng phó với các sự cố cũng mang tính đối phó. Theo đại diện Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, thời gian qua, công tác diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại các địa phương ở nước ta chưa cao, mới đạt khoảng 35-40%. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất chỉ mang tính đối phó, cất vào tủ và không diễn tập bao giờ với lí do… thiếu cán bộ chuyên môn.
“Khi đoàn công tác của chúng tôi xuống kiểm tra, lúc được hỏi nếu công ty bị rò rỉ hóa chất ra môi trường bây giờ thì doanh nghiệp sẽ xử lý thế nào? Đại diện một số doanh nghiệp trả lời, công ty sẽ gọi “xe cứu hỏa”!? Hóa chất chảy ra môi trường do hư hại nhà kho thì liên quan gì đến cháy mà gọi cứu hỏa, chúng tôi hỏi lại thì được lãnh đạo doanh nghiệp thật thà do thiếu cán bộ chuyên môn nên cũng chỉ biết chấp nhận hoặc phản ứng theo kiểu đối phó”, đại diện Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cũng như sự cố chất thải hay sự cố môi trường là tiêu chí bắt buộc và phải được diễn tập thường xuyên dưới sự giám sát của các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang lấy lí do thiếu nguồn lực mà chỉ xây dựng kế hoạch xong để đấy. Trong khi đó, các vụ rò rỉ hóa chất do chủ quan hay khách quan ngày càng nhiều và cũng trở thành nỗi bất cập trong công tác quản lý hiện nay.