Theo TS. Bùi Thị Hoàng Lan, Khoa Môi trường, biến đổi khí hậu và đô thị - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thời gian qua, quá trình phát triển kinh tế cũng đem lại những tác động tiêu cực đối với môi trường ở Bắc Ninh.

anh bai 28.jpg
Nước thải có nhiều chỉ tiêu phân tích vượt quy chuẩn Việt Nam nhiều lần.

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường nhiều năm qua cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các cụm công nghiệp, làng nghề tái chế như Văn Môn, Phong Khê, Ðại Bái, Châu Khê rất nghiêm trọng.

Nước thải tại nhiều cụm công nghiệp không được thu gom và xử lý dẫn đến nhiều chỉ tiêu phân tích vượt quy chuẩn Việt Nam nhiều lần. Các cơ sở sản xuất trong các làng nghề cơ bản đều không đầu tư xây dựng công trình xử lý đối với các loại chất thải phát sinh, có những khu vực đã được đầu tư công trình xử lý nhưng lại không vận hành thường xuyên, vì vậy môi trường tại một số làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. 

Kết quả phân tích chất lượng nước, không khí tại một số làng nghề vượt quy chuẩn Việt Nam nhiều lần.

Chẳng hạn, tại làng nghề giấy Phong Khê, hàm lượng bụi vượt quy chuẩn cho phép từ 2,05 đến 2,14 lần, hàm lượng SO2 vượt quy chuẩn cho phép từ 1,38 đến 1,39 lần. Tại làng nghề sắt thép Châu Khê, hàm lượng bụi vượt quy chuẩn cho phép từ 1,8 đến 1,9 lần, hàm lượng SO2  vượt quy chuẩn cho phép từ 1,4 đến 2 lần. Chất lượng môi trường nước cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng; các mẫu nước mặt, nước thải, nước ngầm đều bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, có những mẫu vượt quy chuẩn hàng chục lần.

“Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí và rác thải nghiêm trọng xảy ra ở các cụm công nghiệp, làng nghề tại Bắc Ninh đã ở mức báo động, nếu tiếp tục kéo dài và không có biện pháp xử lý, khắc phục sẽ gây ra hậu quả lớn”, TS. Bùi Thị Hoàng Lan cảnh báo.

Theo TS. Bùi Thị Hoàng Lan, trong thời gian tới, trong bối cảnh áp lực phát triển công nghiệp lên môi trường ngày càng lớn, nguy cơ trở thành các bãi chứa chất thải công nghiệp ngày càng cao, thì nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa là hết sức nặng nề.

Để từng bước khắc phục, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong quá trình phát triển kinh tế, TS. Bùi Thị Hoàng Lan đề xuất, cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp sau.

Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp về ảnh hưởng ô nhiễm môi trường đến sức khỏe người dân và môi trường sinh thái. Lấy tiêu chí môi trường là tiêu chí cơ bản để đánh giá các tổ chức đạt danh hiệu cơ sở, tổ chức văn hóa. Xây dựng kế hoạch phát động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. 

Hai là, Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương trong việc gắn kết công tác bảo vệ môi trường trong quyết định cấp phép đầu tư, trong quy hoạch phát triển kinh tế của các ngành, các lĩnh vực. Không cấp phép đầu tư cho các loại hình, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tiến tới đình chỉ sản xuất, di dời địa điểm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư. Xác định môi trường luôn là trụ cột sống còn của phát triển bền vững.

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm bằng các hình thức cao nhất đối với các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các doanh nghiệp tại các làng nghề, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp cố tình vi phạm, xả trộm chất thải không xử lý gây ô nhiễm môi trường. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nguồn tiếp nhận, đặc biệt là sông Đuống, sông Cầu, sông Ngũ huyện Khê và các kênh tưới tiêu nội đồng.

Bốn là, tập trung triển khai các đề án, các chiến lược về bảo vệ môi trường nông thôn, làng nghề, chiến lược xử lý rác thải; thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý đã quy định trong Quy chế bảo vệ môi trường làng nghề, khu dân cư, cụm công nghiệp; tập trung xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề: Văn Môn, Đại Bái, Châu Khê, Khắc Niệm, Đại Lâm, Phú Lâm và Phong Khê.

Nguyễn Hạnh và nhóm PV, BTV