- Để có một bản dịch tốt hơn, liệu dịch giả có cần và nên tham chiếu các nguồn ngoại vi có thể?


LTS: Dù có thể không tồn tại một bản dịch hoàn hảo, nhưng rõ ràng vẫn có những bản dịch được nhiều người ca ngợi và yêu thích.

Đi sâu thêm về việc làm thế nào để có một bản dịch tốt hơn, chúng tôi đã tìm hiểu về quá trình dịch thuật, với mong muốn làm sáng tỏ một số điều kiện như: cơ hội tiếp cận của dịch giả Việt Nam với thông tin nước ngoài (như điều nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã làm) và quy trình thẩm định: biên tập viên - dịch giả. 

Từ trường hợp của "1Q84" tiếng Việt

Ngoài những vấn đề như sự cẩn trọng và kinh nghiệm, yêu cầu dịch giả phải có thời gian sống ở nước ngoài cũng được quan tâm.

Chúng tôi mang quan điểm này tham khảo với một số dịch giả, nhà phê bình có uy tín. Nhưng có lẽ điều này không phải là yêu cầu đặc biệt với đa số người trong nghề. Dịch giả Lý Lan từng nói: "Tôi không biết mình có là “dịch giả giỏi” chưa, nhưng tôi nghĩ những điều kiện để trở thành một “dịch giả giỏi” nhiều và phức tạp hơn không gian sống hay từng sống qua của người dịch."

{keywords}
Dịch giả Lục Hương và tác phẩm 1Q84 được phía Nhật thẩm định, khen ngợi.

Trong một bài phỏng vấn ngay sau sự việc tranh cãi "Những thứ họ mang", nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn nhắc đến sự thuận lợi của các phương pháp làm việc qua mạng. Một số dịch giả thơ tại Việt Nam cho biết họ đã từng làm việc và trao đổi liên tục với tác giả trong khi dịch. Trên thế giới, điều này trở thành quy trình ở nhiều nơi trong trường hợp tác giả còn sống.

Môi trường internet hiện tại có thể khiến cho sự kết nối giữa các đất nước và châu lục trở nên dễ dàng. Có thể kể đến trường hợp của bản dịch "1Q84" (Haruki Murakami, dịch giả Lục Hương) - một bản dịch tuyệt vời đi kèm với việc nhà phát hành Việt Nam phải chờ đợi phía Nhật Bản xem lại trước khi in. Bản dịch đã được một giáo sư tiếng Việt của Nhật thẩm định và khen ngợi.

Đó có lẽ cũng là sự may mắn. "Theo tôi được biết, một số tác giả phương Tây thường cởi mở hơn, dễ tiếp cận hơn, còn tác giả của Nhật chẳng hạn - thì không dễ tiếp cận như vậy. Họ tương đối khép kín. Thứ hai, mình cũng phải nhìn nhận thị trường đọc ở Việt Nam có quan trọng đến mức để họ có thể dành thời gian ra tiếp mình hay không?"  - dịch giả Lương Việt Dũng băn khoăn.

Đến phương pháp so sánh, đối chiếu "Tên của đóa hồng"

"Khi dịch, nếu có thể đọc được bất cứ thứ tiếng nào và có bản dịch của thứ tiếng đó, chúng tôi đều cố gắng hết sức để có thể so sánh. Đôi khi  ngay cả các bản dịch với những thứ tiếng khác nhau cũng có sự chênh lệch rất lớn. Chưa nói đến đúng sai, có thể là do phương án họ chọn như vậy" - Lương Việt Dũng nói.

Theo phương pháp làm việc của Lục Hương, anh dịch 1Q84 từ tiếng Trung, song song với đó tham khảo bản dịch tiếng Anh và cả bản dịch tiếng Nhật. Không biết tiếng Nhật, Lục Hương đã nhờ một dịch giả khác giúp đỡ. "Khi gặp trường hợp các bản dịch khác nhau mình sẽ phải  lựa chọn dựa trên cảm nhận và hiểu biết của mình"

Dường như đây là một phương pháp đáng tin cậy, không quá khó khăn và tránh được nhiều sai sót. Tất nhiên nó đòi hỏi sự kì công rất lớn của người dịch.

{keywords}
Dịch giả Lê Chu Cầu với tác phẩm "Tên của đóa hồng", có lời dẫn chi tiết thuật lại việc ông so sánh các bản dịch khác. (Ảnh: Ngọc Bi)

Lại liên tưởng đến "Tên của đóa hồng", một tác phẩm khác mới ra gần đây do dịch giả Lê Chu Cầu thực hiện.

Dịch từ tiếng Anh, ông cẩn thận so sánh, đối chiếu với các bản tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Ý. Thậm chí, ông còn chỉ ra một số lỗi trong bản dịch tiếng Đức. Như lời GĐ Alphabooks Nguyễn Cảnh Bình kết luận: "Tùy từng tác phẩm, tùy từng dịch giả, nhưng quan trọng là con người chứ không phải quy trình".

Chú thích sách đang bị coi nhẹ?

Sau bài viết "Dịch thuật Việt: bản địa hóa hay hướng ngoại?" của VietNamNet, độc giả Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ: "Thực tế nhược điểm của dịch hướng ngoại lẫn bản địa hóa có thể được khắc phục rất nhiều nhờ khâu biên tập và chú thích, một khâu vô cùng quan trọng trong dịch sách những dường như bị coi nhẹ hơn trong giai đoạn gần đây.

Một số cuốn sách hoàn toàn không có đầy đủ chú thích của người biên tập. Những điều dịch giả muốn truyền tải cho độc giả nhưng không tiện đưa vào sách thì có thể viết vào lời nói đầu hay lời cuối sách chẳng hạn."

Ông Nguyễn Cảnh Bình cho biết, xu hướng hiện nay trên thế giới đang đưa các chú thích vào cuối sách thay vì dưới chân trang. Như thế vừa diễn giải được hết ý cho độc giả, vừa không làm ngắt quãng quá trình đọc của độc giả.

Bài tiếp: Thực tế dịch thuật ở VN: Biên tập viên có giỏi hơn dịch giả?

Hồ Hương Giang