Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học diễn ra sáng nay (12/8) được tổ chức trực tuyến với gần 900 điểm cầu là các Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT và một số trường tiểu học.

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ giáo viên, các nhà trường, các cơ quan quản lý cấp sở, phòng trong năm học vừa qua.

Đồng thời, đề nghị có hình thức khen thưởng xứng đáng cho những tập thể, cá nhân đã làm tốt.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học.

Bộ trưởng cho rằng, năm học mới sẽ diễn ra trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường. Do đó, cần phải nhận định đầy đủ, thấu đáo, thực tiễn về tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội, ý thức đầy đủ các khó khăn và thách thức.

“Không như các lĩnh vực khác, một khi nền giáo dục bị tổn thương, thời gian để phục hồi sẽ rất dài. Vì thế, phải cố gắng hết sức để giảm thiểu những tổn thương đối với giáo dục”, Bộ trưởng Sơn nói. 

Ông Sơn cũng nhấn mạnh, cần ưu tiên mọi biện pháp để toàn ngành chuyển trạng thái, thích ứng và giảm thiểu các tổn thương, các tác động tiêu cực.

“Chuyển trạng thái phải tính tới lâu dài chứ không chỉ tạm thời. Mọi sự điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với dịch bệnh, đảm bảo an toàn trên cơ sở không thay đổi mục tiêu đảm bảo chất lượng. Lương tâm và trách nhiệm không thay đổi. Bất biến vấn đề chuẩn đầu ra và chất lượng, vạn biến về phương pháp”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đối tượng có nguy cơ tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh là bậc tiểu học. Thách thức riêng có thể nhìn thấy ở bậc tiểu học là các hạn chế về sức khỏe, thể lực, hạn chế trong sử dụng thiết bị công nghệ, khó khăn trong trong tương tác học tập trực tuyến…

Bậc học này còn có số lượng trường, điểm trường lớn, nhưng phân tán, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn,...

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Khi nền giáo dục bị tổn thương, thời gian để phục hồi sẽ rất dài".

Vì thế, Bộ trưởng đề nghị, cần phát huy hơn nữa sự chủ động, sáng tạo của địa phương, giáo viên.

Về kế hoạch năm học, Bộ trưởng lưu ý, các địa phương triển khai kế hoạch sao cho linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, tận dụng tối đa thời gian “vàng” để dạy trực tiếp.

Đồng thời, linh hoạt trong quá trình thực hiện kế hoạch năm học, linh hoạt trong thực hiện chương trình và triển khai nội dung dựa theo chuẩn đầu ra và yêu cầu nội dung cốt lõi chương trình học.

Trên cơ sở chương trình chung, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Giáo dục Tiểu học sớm ban hành hướng dẫn những nội dung giảng dạy cốt lõi, căn bản cho bậc tiểu học, ưu tiên giảng dạy những nội dung đó theo hình thức trực tiếp nếu có thể. Đồng thời, cân nhắc về kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp.

Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT: Học sinh lớp 1 'nổi trội' hơn khi học chương trình mới

Bộ GD-ĐT: Học sinh lớp 1 'nổi trội' hơn khi học chương trình mới

Thông tin được đưa ra tại báo cáo tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học của Bộ GD-ĐT.