Khi mạng xã hội trở lên phức tạp
Đang ở chỗ làm, Việt Hoa (nhân viên Marketing của một ngân hàng tại Hà Nội) nhận được cuộc gọi với giọng thất thanh của đứa em trai: “Chị bị đánh ghen ở đâu thế? Chị đang ở đâu, bố mẹ giục em đi đón chị về. Bố mẹ và cả nhà đang ngồi chờ ở nhà đây”.
Quá đỗi bất ngờ, Hoa nói với em trai rằng mình đang ở công ty và chẳng có vụ đánh ghen nào ở đây cả. Khi hỏi sự tình, Hoa mới vỡ lẽ khi tên Facebook của mình được vài người bạn tag vào một vụ drama đánh ghen trên phố sáng nay, kèm những lời “hỏi thăm” hết sức cảm thông của những người bạn Facebook khác.
Để rồi khi Hoa vào Facebook trên điện thoại (ngân hàng có quy định, một số bộ phận không được dùng máy tính cơ quan để lướt mạng xã hội để đảm bảo an toàn thông tin-NV), Hoa mới ngã ngửa ra mình được “xướng tên” trong một vụ ồn ào mà chính cô cũng chẳng biết người trong cuộc là ai. “Việc đầu tiên tôi nhờ những người bạn xóa bình luận gắn tên mình, sau đó gọi về nhà báo với bố mẹ và cuối cùng là khóa trang cá nhân để tránh những lời hỏi thăm xen lẫn sự… tò mò”, Hoa nói.
Không chỉ gặp những chuyện “trên trời rơi xuống”, nhiều người chơi Facebook bị hack tài khoản, bị các đối tượng xấu giả danh mượn tiền bạc người thân hoặc viết những lời vu khống người khác. Thậm chí, nhiều hình ảnh cá nhân như ảnh bikini hay áo dài (nhất là các bạn nữ có thói quen đăng ảnh “cúng Phây”) bị kẻ xấu lấy rồi đăng lên các hội nhóm nhạy cảm, các trang 18+, thậm chí các nhóm giao dịch của gái mại dâm khiến nhiều người thân của nạn nhân xấu hổ.
Đặc biệt, thời gian gần đây việc buôn bán qua mạng xã hội nở rộ. Mua hàng trên Facebook Shop hay TikTok Shop đã trở lên phổ biến thì các vụ lừa đảo qua mạng xã hội, giả danh cán bộ công an hay nhân viên ngân hàng lừa đảo những người nhẹ dạ cũng trở lên phức tạp. Chính vì vậy, không phải bỗng dưng mà các nhóm tội phạm mạng đang lấy Facebook hay TikTok làm nơi hoạt động lừa đảo của mình.
Hạn chế nhưng không thể… từ bỏ!?
Nếu trước kia, những tin tức Facebook hay người dùng có thói quen chia sẻ về trên tường cá nhân (thậm chí để chế độ cá nhân – đọc một mình) để lưu lại như một cuốn nhật ký. Thậm chí, ảnh gia đình cũng được đăng lên mạng nhưng để chế độ hạn chế với bạn bè, hoặc với những người được tag tên nhất định.
Tuy nhiên, thời gian gần đây với công nghệ deepfake thì nhiều người cũng đã không dám đăng gì lên mạng. Thậm chí có nhiều người tự hứa với bản thân, dừng chơi Facebook hay mạng xã hội (như khóa trang cá nhân, cài đặt chế độ tạm dừng hoạt động một thời gian) hoặc cài đặt chế độ khóa bảo vệ…, nhưng tất thảy không thể dừng dùng Facebook.
Lí do thì có nhiều, nhưng việc mạng xã hội đã trở thành một kênh thông tin, một phần công việc hay một phần nỗi “bận tâm” với mỗi người là… có thật. Chị Thu Quỳnh, nhân viên kinh doanh của một công ty in ấn chia sẻ: “Trên trang cá nhân tôi không đăng gì, bản thân cũng không có nhu cầu tò mò người khác khoe gì trên mạng. Tuy nhiên, trong các hội nhóm đồng hương, hội lớp hay nhóm gia đình tôi vẫn phải cập nhật tin tức. Ví dụ, trong lớp có phụ huynh bạn nào mất là lớp trưởng sẽ đăng lên Group (Nhóm lớp). Nếu không dùng Facebook, tôi không thể biết thông tin mà đi thăm viếng”.
Cũng theo chị Quỳnh, công ty chị cũng có tới 3 hội nhóm kín phục vụ công việc và giao lưu trong cơ quan. Nhóm 1 chuyên về các thông tin công việc, sếp giao việc trên đó và các phòng ban báo cáo tiến độ, người phụ trách ngay trên nhóm. Nhóm 2 chuyên về các hoạt động chợ búa, đây chính là một cái chợ thu nhỏ trong công ty. Ai có gì bán nấy, ai muốn mua gì cũng lên đó mà hỏi người bán hay chỗ để mà mua. Nhóm 3 chuyên để buôn chuyện của hội chị em, ở đây những drama công sở cho tới những chuyện tế nhị của chị em cũng được “thầm thì to nhỏ”.
“Hạn chế vào hóng chuyện, im lặng trước những ồn ào và không “bình loạn” lung tung nhưng vẫn phải lướt để nắm tin tức. Trang cá nhân tôi để chế độ “khóa bảo vệ trang cá nhân”, để nếu có trót đăng tấm hình bikini đi biển thì cũng không phải nhận những bình luận phản cảm kiểu như: “to tròn, trắng thế” hay “ngon nhỉ” của những người lạ. Không riêng Facebook, TikTok hay nhiều trang mạng xã hội khác giờ đây không làm tôi hứng thú nhưng vẫn… phải dùng”, Thu Quỳnh kết luận.