Là huyện ngoại thành của thành phố Cần Thơ, Vĩnh Thạnh đang tận dụng các lợi thế về địa lý, chính trị để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống bà con địa phương.
Xác định vai trò quan trọng của người phụ nữ trong văn hóa gia đình miền Nam, huyện đã xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo bền vững dựa vào chính những con người vốn rất bươn chải bên ngoài, năng động và nhanh nhạy này.
Nửa đầu năm 2024, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Vĩnh Thạnh liên tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững; xây dựng mới và nâng cao chất lượng của 25 mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết với tổng số 669 thành viên.
Các mô hình hiệu quả đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương; hỗ trợ 22/23 chị khởi nghiệp kinh doanh, đạt 104% kế hoạch năm; phối hợp tổ chức hội thảo hướng nghiệp và khởi sự kinh doanh cho 100 chị.
Mô hình Tổ liên kết may gia công xã Thạnh Quới mới thành lập hồi tháng 5 nhưng đã giải quyết việc làm cho nhiều hội viên, với mức thu nhập ổn định hơn 4 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Vĩnh Thạnh còn tăng cường phối hợp cùng các ngành chức năng hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay do Hội quản lý phục vụ sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ, cải tạo vườn… Cũng trong 6 tháng đầu năm, Hội Liên hiệp phụ nữ Vĩnh Thạnh đã vận động xã hội hóa 198 triệu đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 2 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Năm 2024, huyện Vĩnh Thạnh phấn đấu giảm 0,2% tỷ lệ hộ nghèo; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Huyện ưu tiên nguồn lực thực hiện tốt các chính sách trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo về nhà ở, bảo hiểm y tế, dạy nghề, việc làm…; lồng ghép công tác giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh tại các xã, thị trấn; nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả nhằm thu hút hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới.