Vậy là lao vào cuộc. Thạc sĩ kinh tế đầu quân về một công ty phân phối hàng cao cấp, va vấp với các đối thủ, được dịp nghiên cứu thị trường bài bản bổ sung cho cái bằng thạc sĩ đầy tính lý thuyết.
Sau một năm anh bạn trẻ rời công sở, tôi lại thấy hình ảnh của bạn trên Facebook, một bức ảnh rất đẹp, đứng suy tư, phía sau là màn sương mờ dày đặc của Đà Lạt.
Ai nhìn bức ảnh cũng thấy thật lãng mạn, riêng tôi chỉ muốn hỏi, sau một năm, vẻ suy tư trên gương mặt ấy biểu hiện bạn đang nghĩ đến những giá trị nào. Trò chuyện với những người nhảy việc rất thú vị, những nhân diện hiện ra rõ ràng hơn, những trắng đen cuộc đời dưới con mắt người trẻ có vẻ hiện thực hơn. Điều may mắn là từ đó còn có chút niềm vui để thấy cuộc sống đáng sống.
Anh bạn trẻ rời công sở năm ngoái, ra tranh đấu trên thị trường việc làm để được làm việc thật sự và tìm sự ưu đãi đúng với sở trường, sở học của mình. Đoạn đường một năm ngắn ngủi, đầy bất trắc, đầy những giấc mơ. Gặp lại nhau, hỏi thăm, bạn trẻ nói: "Cuộc đời quả thật sẽ là giấc mơ dài nếu chúng ta đi ra ngoài. Chúng ta thất vọng, nhưng cuộc đời ấy lại bắt chúng ta làm việc thật, không giả dối, nên chúng ta vừa làm vừa mơ tiếp".
Nói gì mà mơ hồ thế! Thật ra, từ một công chức đã xong bậc thạc sĩ, tiếc công cha mẹ đầu tư cho ăn học những 18 năm, cậu không nỡ đền đáp ơn nghĩa đó bằng cách ngồi cạo giấy chờ lên chức hay lên lương, hoặc chờ cơ hội làm giàu bất chính trên nền tảng cơ chế "xin - cho".
Vậy là lao vào cuộc. Thạc sĩ kinh tế đầu quân về một công ty phân phối hàng cao cấp, va vấp với các đối thủ, được dịp nghiên cứu thị trường bài bản bổ sung cho cái bằng thạc sĩ đầy tính lý thuyết. Thạc sĩ đi bán hàng khác một nhân viên tốt nghiệp phổ thông đi bán hàng. Thạc sĩ vừa mưu sinh, vừa suy ngẫm đáp số cuộc đời mình, quyết không an phận sống mòn. Thạc sĩ vui sống và làm việc vì đam mê và nhiệt huyết, chưa một lúc nào để tiền bạc và những danh lợi phù phiếm biến mình thành kẻ chạy theo đồng tiền tới mức lãng quên cả sự an toàn và giá trị của bản thân - những điều tuổi trẻ có nghĩ đến nhưng không thấu đáo. Tuy nhiên, nghĩ đến là đã may.
Nó giống như bạn quyết định mua trả góp chiếc iPhone 7 với lãi suất 0%, và món tiền trả góp hằng tháng khá dễ thở. Bạn cứ vui với niềm vui xài hàng hiệu, với trào lưu cầm trên tay một món đồ thời thượng và trả nợ góp. Chỉ đến khi bạn trả xong món nợ đó, thị trường ra chiếc iPhone 8, thay vì cảm thấy nhẹ nhõm vì đã trả hết nợ thì bạn lại chìm trong cảm giác chán ngấy chiếc iPhone 7 trên tay đã trở nên lạc hậu.
Thạc sĩ kết luận: "Hãy làm chủ cuộc đời mình, đừng phụ thuộc vào sự điều khiển của ai đó mà trả nợ góp để có được một thứ hào nhoáng bên ngoài trong một thời gian ngắn, rồi đến tuổi trung niên sẽ cảm thấy một nỗi buồn chán khó nguôi".
Tôi cảm nhận cậu bạn học thạc sĩ kinh tế là không uổng tiền cha mẹ đầu tư, ít nhất cậu cũng đã nhìn thấy quy luật thị trường và áp dụng vào đời sống cá nhân để tìm đường đi về phía trước chính xác với con người thật của mình.
Một cô gái khác cũng rất trẻ, có việc làm tốt và là hình ảnh thành đạt nhanh chóng nhiều người thèm muốn. Rồi đột nhiên cô đổi việc, làm công việc lặng lẽ hơn, phải đi lại nhiều đoạn đường cũ. Chỉ gia đình cô biết lý do, cô không muốn sống trong sự dối trá. Càng được đi nhiều nơi trên thế giới, thấy người ta làm thật, tìm kiếm những giá trị thật trong mỗi sản phẩm, càng cảm thấy công việc của mình là vô nghĩa, chỉ là kiếm đồng tiền mà nói dối khách hàng, nói dối mỗi ngày.
Chỉ khi đang ở tuổi đôi mươi, các bạn mới có thể dám "sống thật", tạo nên những giá trị cho xã hội hay chí ít là cho bản thân. Cô gái này đã không nghĩ đến tiền đầu tiên, cô băn khoăn với giá trị giả tạo đang làm, và nghĩ phải rời khỏi chỗ ngồi êm ấm để đi làm việc gì đó có thể tạo ra giá trị thật càng nhiều, lúc đó tiền sẽ đến với cô.
Họ chỉ nghĩ và làm vậy, cũng biết họ đang rất trẻ! Và họ hiểu trẻ là một giá trị lớn, không bỏ nó hoài phí.
Hồng Bích/ theo Doanh nhân Sài Gòn
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt