Mọi quốc gia trên thế giới đang khẩn trương bàn đến phương hướng và các biện pháp ngăn chặn mối đe dọa mang tính hủy diệt của Biến đổi Khí hậu đối với nhân loại. Tác động của khí thải nhà kính CO2 nói chung đã được đề cập đến, nhưng mối đe dọa của nó đối với các đại dương chưa được nhìn nhận đúng mức…
Trong tiểu mục Khoa học của BBC, tác giả Roger Harrabin đã viết bài giới thiệu ý kiến của khoảng hai mươi hai nhà khoa học biển hàng đầu thế giới về mối đe dọa của sự ấm nóng lên của Trái Đất hay hiện tượng Biến đổi Khí hậu xảy ra đối với các đại dương.
Các đại dương trước sự đe dọa của các hiệu ứng do Biến đổi Khí hậu gây ra. Ảnh: BBC. |
Trong đó, một bản báo cáo tổng quát cho truyền thông của các nhà khoa học này đã lên tiếng cảnh báo rằng: Sự sống trong các đại dương sẽ thay đổi không thể nào đảo ngược được, trừ khi lượng khí thải CO2 được cắt giảm thật mạnh hơn nữa.
Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng yêu cầu sự biến đổi khí hậu hay mức độ gia tăng nhiệt độ tối đa 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp hóa đã được chấp thuận bởi các chính phủ cũng sẽ không ngăn chặn được những tác động mạnh mẽ đến hệ thống các đại dương toàn cầu.
Họ cho rằng các đại dương gánh chịu các nguy cơ rủi ro đầy nguy hiểm từ sự kết hợp của các mối đe dọa khác nhau liên quan đến CO2. Cụ thể là: các đại dương đang bị hâm nóng, mất oxy và trở nên có tính axit hơn bởi vì khí CO2.
Theo các chuyên gia đó, một sự thật rõ ràng rằng CO2, do đốt nhiên liệu hóa thạch, hiện đang thay đổi tính chất hóa học của các vùng biển nhanh hơn bất cứ lúc nào kể từ sự kiện tự nhiên Đại Hồng Thủy (Great Dying) xảy ra 250 triệu năm trước đây.
Họ đưa ra các số liệu cụ thể: đại dương đã hấp thụ gần 30% lượng carbon dioxide mà loài người chúng ta đã sản xuất từ năm 1750 và vì CO2 là một loại khí nhẹ mang tính axit, nó đang làm cho nước biển có tính axit hơn. Ngoài ra, cùng với quá trình biến đổi khí hậu, các đại dương còn hấp thụ thêm hơn 90% nhiệt lượng xả ra bởi cộng đồng xã hội và ngành công nghiệp kể từ năm 1970. Nhiệt lượng dư thừa làm cho đại dương khó khăn hơn trong việc giữ oxy trong nước biển.
Một số thí nghiệm gần đây cho thấy, dù nhiều sinh vật có thể chịu được sự ấm lên trong tương lai mà CO2 dự báo sẽ mang lại, hoặc sự giảm thấp hơn về độ pH hay độ ôxy..., nhưng không phải tất cả các hiện tượng đó xảy ra cùng một lúc như hiện nay. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện đồng thời các hiện tượng trên và xảy ra sự kết hợp giữa chúng tạo nên mối hiểm họa không lường trước cho cuộc sống của các loài sinh vật ở các đại dương.
Theo nhà nghiên cứu Carol Turley, các đại dương có vai trò sống còn đối với các hệ sinh vật, trong đó có cả loài người. Chính "các đại dương cho chúng ta lương thực, năng lượng, khoáng chất, thuốc và một nửa lượng oxy trong khí quyển, và nó điều chỉnh khí hậu và thời tiết của chúng ta”. Và, vì vậy, ông lên tiếng “yêu cầu các nhà hoạch định chính sách nhận ra những hậu quả tiềm tàng để đề cao hơn nữa vai trò hay hình ảnh của đại dương trong các cuộc đàm phán quốc tế dù bất kỳ ở đâu”. Đáng tiếc, cho trong nay “hầu như không được đề cập đến."
Các nhà nghiên cứu còn cảnh báo rằng, các chính trị gia, dù đã có cố gắng giải quyết các vấn đề của Biến đổi Khí hậu, cũng phải trả giá do quá ít chú ý đến những tác động của Biến đổi Khí hậu đối với các đại dương. Nói chính xác hơn, họ chỉ mới chú ý đến sự dâng cao của mực nước biển dẫn đến xóa nhiều hải đảo, nhấn chìm nhiều vùng lãnh hải và thậm chí một số quốc gia.
Để kết luận, xin đưa ra đây một nhận xét kèm theo một đề xuất kịp thời của một nhà nghiên cứu lớn, Jean-Pierre Gattuso, rằng: Các đại dương đã được coi là thứ yếu và không được chính thức bàn đến tại các cuộc đàm phán khí hậu từ trước đến giờ. Nay, việc đưa ra các luận cứ đúng đắn trên đây nhằm mục đích đề nghị bổ sung khẩn cấp vấn đề CO2 đe dọa sự sống các đại dương vào nội dung Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc (COP-21) về Biến đổi Khí hậu đối sắp nhóm họp tại Paris, tháng 12/2015 sắp tới.
Minh Trần (Tổng hợp)