Không được học cao, kinh tế cũng chẳng khá giả thế nhưng vì niềm đam mê với cổ vật mà gần 15 năm qua, anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1971, trú tại thôn 6, thị trấn Chư Prông, tỉnh Gia Lai) miệt mài lăn lộn khắp các buôn làng Tây Nguyên, săn tìm những món đồ “độc, dị, lạ” về nhà. Nhiều khi không có tiền anh sẵn sàng đi vay lãi cao, thậm chí dấu vợ con mang toàn bộ số tiền bán nông sản cả năm của gia đình đi mua bằng được món đồ mình ưng mắt…
Vào nhà hễ đá chân là đụng đồ cổ
Anh Hưng người gốc ở tỉnh Tuyên Quang. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ năm 1998 anh đã quyết tâm xa quê tìm vào mảnh đất Tây Nguyên lập nghiệp. Vì gia cảnh nên con đường học tập của anh cũng sớm đứt đoạn khi anh mới học xong lớp 7.
Anh Hưng bên kho đồ cổ vô giá của mình. |
Mặc dù kiến thức về cổ vật, về văn hóa, lịch sử đặc biệt là thời cổ đại đối với anh nông dân này gần như chỉ là con số 0 thế nhưng với niềm đam mê cháy bỏng của mình, anh Hưng vẫn quyết tâm dấn thân vào con đường sưu tầm đồ cổ.
Bước chân vào ngôi nhà mái tôn lụp sụp của gia chủ chúng tôi thật sự choáng ngợp bởi số lượng những món đồ mà anh Hưng sưu tầm được. Từ ngoài hiên đến tường nhà rồi khu bếp, thậm chí là trong gầm giường cũng có rất nhiều cổ vật. Đi lại trong nhà nếu không cẩn thận rất dễ dẫm chân hoặc đụng đầu vào đồ cổ.
Có thể nói, chủ nhân của ngôi nhà đã biến nơi sinh hoạt của mình thành một bảo tàng thu nhỏ với hàng ngàn cổ vật.
Theo chủ nhà chia sẻ, anh bắt đầu sưu tầm cổ vật từ năm 2002, đến nay đã được gần 15 năm. Với anh niềm đam mê với cổ vật đến với mình như một cái duyên “tiền định”, khi trong một lần đi làm thuê anh vô tình đào được một chiếc búa bằng đá từ thời xa xưa.
“Cầm viên đá trên tay, nhìn những đường nét được các tiền nhân trạm trổ một cách tinh xảo, đỉnh cao khiến tôi mê mẩn ngồi ngắm hàng giờ mà không biết chán. Có lúc tôi cầm phiến đá trên tay mường tượng ra nhiều điều lí thú mà người xưa sử dụng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.
Từ đó, tôi lên mạng, qua sách báo tìm hiểu phát hiện thêm nhiều điều từ những cổ vật biết nói khiến đam mê ngày càng mạnh mẽ hơn”, anh Hưng chia sẻ.
Anh Hưng giới thiệu về một số cổ vật |
Có lần bản thân đã rất ưng mắt một chiếc ché cổ (chum, vại – PV) của một gia đình người đồng bào Jarai thế nhưng trong nhà chẳng còn nghìn nào để mua. Anh đành hẹn người bán cho mình 3 ngày để xoay tiền sẽ đến “rinh” cổ vật về.
Thế nhưng, về đến nhà anh không sao ngồi yên một chỗ vì lo lắng sẽ có người khác mua mất chiếc ché đó. Điều đáng buồn nhất đối với dân sưu tầm cổ vật là khi đã thấy món đồ mà lại không thể sở hữu nó.
Đã gần 9h tối, anh Hưng vẫn không chịu đi ngủ, cứ đi ra đi vào khiến vợ con cảm thấy rất lo lắng tưởng anh xảy ra chuyện gì. Rồi bỗng nhiên anh xách xe chạy đi đâu đó khoảng 2 tiếng đồng hồ sau mới về, mang theo một chiếc ché cũ kĩ nhưng miệng thì cười rất tươi.
Về sau, nghe anh Hưng kể lại gia đình mới biết là vì sợ không mua được chiếc ché cổ nên đêm hôm anh vẫn đánh liều đi vay tiền lãi cao của người ta rồi nhất quyết phải mang bằng được nó về nhà mình trước khi trời sáng.
Hay có lần, chị Hà Thị Thủy (vợ anh Hưng) vừa bán được gần 100 triệu tiền cà phê. Vì nhà cửa không kiên cố sợ bị mất trộm nên chị đã cất rất kĩ. Vậy mà, hôm đó khi đi làm rẫy về chị phát hiện số tiền cả năm vất vả làm rẫy của mình “không cánh mà bay”.
Tá hỏa, tưởng có kẻ trộm lẻn vào nhà lấy mất chị toan đi báo công an. Nào ngờ, vừa bước ra tới cổng thì gặp ông chồng chạy xe máy về chở theo mấy bao tải cồng kềnh. Chị kể lại câu chuyện mất tiền cho chồng để nhờ anh chạy xe máy đi báo công an cho nhanh.
Nào ngờ nghe câu chuyện anh Hưng chỉ nhe răng ra cười rồi chỉ tay vào mấy bao tải đang để trên xe: “Anh mượn tạm tiền của em đi mua ít đồ không sợ người ta bán cho thương lái mất. Có gì ít hôm nữa vay được tiền ngân hàng anh đưa lại cho em đóng tiền học cho các con và mua phân bón rẫy…”.
Nghe đến đây, chị Thủy vừa giận vừa buồn cười, cũng từ đó chị đành chào thua không còn ngăn cản ông chồng của mình theo đuổi đam mê nữa. Vì chị biết có cố ngăn cũng không được.
Hiện tại, trong ngôi nhà nhỏ của mình anh Hưng đang lưu giữ gần 3000 cổ vật bao gồm nhiều loại như: trống đồng, cồng chiêng, ghè ché, bát, đĩa, đồ trang sức… Nếu tính cả những cổ vật bằng đá thì số lượng phải lên tới gần 6000 cổ vật.
Trong đó nổi bật nhất là 8 bộ cồng chiêng cổ với trên 120 chiếc, có chiếc đặc biệt qúy hiếm vì kích thước lớn lên tới 2 thước 4 (theo cách đo của người đồng bào Tây Nguyên). Ngoài ra, anh còn sưu tầm được 4 chiếc gương đồng, trong đó có một chiếc có niên đại được dự đoán là có từ trước Công nguyên.
Mong ước có một viện bảo tàng của riêng mình
Theo anh Hưng chia sẻ, trong số những đồ cổ anh sưu tầm được có những cái có giá trị rất cao được người ta trả tới cả tiền tỉ nhưng anh nhất quyết không bán. Nếu tính tổng giá trị số cổ vật mà anh Hưng đang sở hữu thì nó là một con số vô cùng lớn, ước tính có thể lên tới hàng triệu đô la.
Một số hình ảnh về kho đồ cổ của anh Hưng |
Không phải anh không muốn có một cuộc sống giàu sang, không muốn vợ con có được một căn nhà khang trang, sạch sẽ để ở… Thế nhưng, với bản thân anh những cổ vật này ngoài giá trị về tiền bạc thì nó còn mang trong mình giá trị về văn hóa, lịch sử của dân tộc, của tổ tiên. Và giá trị về tinh thần thì là vô giá nên anh mong muốn mình sẽ góp một phần công sức gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc cho muôn đời sau.
Cũng vì biết trong nhà anh Hưng có lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị nên không chỉ những con buôn đồ cổ thường xuyên tìm đến mà nhiều kẻ gian, kẻ trộm cũng thường xuyên “viếng thăm”. Theo anh Hưng cho biết, có thời gian sợ bị kẻ gian vào nhà trộm đồ, gây nguy hiểm đến tính mạng bản thân và gia đình vì chúng rất liều lĩnh nên anh đã phải lẳng lặng mang tất cả những đồ quí giá đi gửi nhiều nơi. Thậm chí, nửa đêm anh phải hì hục vác đồ ra rẫy để chôn giấu…
Điều mong muốn nhất của anh nông dân mê đồ cổ lúc này là làm sao có tiền để xây cho mình một viện bảo tàng nhỏ để trưng bày những cổ vật mà mình đã sưu tầm được.
Chia sẻ về nguyện vọng này anh Hưng cho biết: “Hiện tại, mình đang xin chủ trương của huyện cấp cho khoảng 1ha đất gần thị trấn để xây dựng một bảo tàng mini. Chỉ khi có bảo tàng thì mình mới không lo lắng về việc bị kẻ gian nhòm ngó kho đồ cổ và chỉ khi được trưng bày trong bảo tàng các cổ vật mới được lưu giữ trong điều kiện tốt nhất tránh bị hư hỏng theo thời gian”.
Không chỉ có ước mơ có được một viện bảo tàng cổ vật cho riêng mình mà anh Hưng còn tin rằng mình sẽ được ghi vào kỉ lục Guiness Việt Nam với danh hiệu là cá nhân sở hữu kho đồ đá cổ đại lớn nhất cả nước. Để thực hiện mơ ước đó của mình anh Hưng đang không ngừng tiếp tục công tác sưu tầm đồ đá cũng như đã nhờ người giúp mình tìm hiểu quá trình đăng kí kỉ lục Guiness Việt Nam.