Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Hòa Bình, cuộc sống khó khăn nên từ nhỏ anh Sao đã phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Ý tưởng nuôi dúi của anh đến rất tình cờ
Đó là năm 2012 trong một lần xem truyền hình chiếu về việc nuôi dúi, chàng trai 8X này đã bắt đầu ấp ủ giấc mơ làm giàu chính đáng từ chính nơi mình sinh ra và lớn lên.
Nghĩ là làm, anh Sao bắt đầu tìm hiểu thông tin về kinh nghiệm, các mô hình chăn nuôi dúi hiệu quả.
Nhận thấy mô hình phát triển kinh tế này không quá khó, ít tốn kém mà đem lại hiệu quả kinh tế cao, thức ăn cũng như điều kiện chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và khả năng của bản thân, anh Sao đã quyết dịnh khởi nghiệp với loài vật này.
“Ban đầu, tôi đầu tư gần 15 triệu đồng lên Sơn La, Vĩnh Phúc, Phú Thọ để tìm mua được gần 20 cặp dúi giống về nuôi thử nghiệm”, anh kể.
Thức ăn của loài động vật này gồm có tre, ngô, mía, cỏ voi... đều là những sản phẩm dễ kiếm trong nông nghiệp. |
Anh sao cho hay, “Chuồng nuôi dúi được xây dựng khá đơn giản, không tốn quá nhiều diện tích. Mỗi ô chuồng được dựng bằng các tấm gạch men, kích thước 50x50 cm nối liền sát với nhau.
Dúi là loài động vật hoang dã, sợ tiếng ồn, ưa mát mẻ nên chuồng phải đảm bảo kín gió, ít tiếng ồn, không bị ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào. Thức ăn của loài động vật này gồm có tre, ngô, mía, cỏ voi... đều là những sản phẩm dễ kiếm trong nông nghiệp”.
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa có nhiều tài liệu hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật chăn nuôi dúi, anh Sao gặp không ít khó khăn và từng có ý định bỏ cuộc.
“Trông thì đơn giản nhưng thực tế đã có những ngày tháng mình định bỏ cuộc. Rất nhiều lần dịch bệnh, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Mỗi lần sau đó, mình lại tự rút kinh nghiệm, học hỏi thêm để lần sau không lặp lại”, anh nói.
Mỗi năm, dúi cái đẻ được 3 - 4 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con. Từ khi sinh ra, sau khoảng 20 - 25 ngày thì dúi giống có thể xuất bán với giá 1,2 triệu đồng/cặp. Hiện nay, dúi thịt trên thị trường có giá từ 450.000 đồng/kg. Mỗi năm, sau khi đã trừ chi phí, tôi thu được trên 100 triệu đồng”, anh tiết lộ.
Sau khoảng 8 năm thử sức và phát triển, từ gần 20 cặp giống, đến nay, mô hình chăn nuôi dúi của anh Hoàng Văn Sao đã phát triển được hơn 300 con.
Sắp tới, ngoài mô hình nuôi Dúi, anh Sao dự tính sẽ đầu tư thêm vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cung cấp ra thị trường.
“Tôi xuất thân trong gia đình nông nghiệp nên luôn có mong mỏi được làm giàu từ chính lĩnh vực này. Đến nay tuy chưa phải là thành công nhưng tôi vui vì cũng đã khẳng định được mình, giúp được nhiều bà con có thu nhập ổn định”, anh Sao nói.
Ông Bùi Văn Tảo, Bí thư Đoàn xã Cao Sơn cho biết: "Đồng chí Sao rất năng động, nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn. Mặc dù quá trình khởi nghiệp, phát triển kinh tế trải qua nhiều khó khăn, nhưng với bản lĩnh, nghị lực của một đoàn viên thanh niên năng động, anh đã không nản chí, nỗ lực vượt qua mọi thử thách, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho mọi người.
Anh Sao đáng là tấm gương trong phát triển kinh tế để đoàn viên thanh niên cùng người dân trên địa bàn xã học tập, noi theo”.
Bài và ảnh: Văn Giáp