Theo giáo lý Nhà Phật, mỗi cá nhân con người chỉ là một ảo ảnh phản chiếu lại từ tâm trí. Phật giáo miêu tả về một thế giới quan vô cùng căn bản, nguyên thủy, khuyến khích người theo đạo từ bỏ những ham muốn cá nhân và tránh xa những mộng tưởng, phiền não. Để đạt được điều này, hàng triệu người trên thế giới đã tìm đến Yoga và Thiền định.
Nhưng theo một nghiên cứu tâm lý mới được công bố gần đây đã chỉ ra những mâu thuẫn với điều trên rằng việc thực hành thiền định và yoga đương đại làm tăng tính sân si của mỗi cá nhân con người hơn. Trong bài báo được xuất bản trực tuyến bởi Đại học Southampton và xuất hiện trên Tạp chí Khoa học Tâm lý, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng giáo lý Nhà Phật chỉ ra rằng, việc thực hành thiền định giúp con người vượt qua những xung đột về bản ngã, còn lập luận của nhà tâm lý học Hoa Kỳ William James thì cho rằng việc thực hành những kĩ năng này tạo ra sự tự nâng cao bản thân (self-enhancement - một thuật ngữ tâm lý học).
Có một vài bằng chứng ủng hộ lý thuyết của William James, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Mannheim ở Đức đã quyết định nghiên cứu thử nghiệm trong yoga và thiền định để củng cố lý thuyết này.
Họ tuyển 93 học viên yoga, và trong suốt 15 tuần thực hành, họ sẽ thường xuyên đánh giá ý thức tự nâng cao bản thân của những học viên này. Đầu tiên, các nhà nghiên cứu đánh giá mức độ tự nâng cao của người tham gia bằng cách hỏi những người tham gia rằng họ so sánh bản thân thế nào so với những người trong lớp học. Việc so sánh này là tiêu chuẩn để đo lường sự tự nâng cao. Tiếp theo, những người tham gia sẽ hoàn thành một bảng đánh giá về khuynh hướng tự yêu bản thân với câu nói "Tôi sẽ được biết đến với những hành động tốt của mình". Cuối cùng, các nhà nghiên cứu thực hiện một thang đo về lòng tự trọng khi hỏi những người tham gia rằng họ có đồng ý với tuyên bố "Hiện tại, tôi có lòng tự trọng cao".
Các học viên sẽ được kiểm tra trong một giờ sau khi kết thúc lớp học yoga. Và kết quả cho thấy, theo cả 3 biện pháp trên, sự tự nâng cao bản thân cao hơn đáng kể so với khi những học viên này không tập yoga trong 24 giờ trước đó.
Nghiên cứu thứ hai dựa trên 162 người thực hành thiền định, được tuyển dụng thông qua các nhóm Facebook. Kết quả thực tiễn cho thấy tác động cũng tương tự như với những người tập yoga. Trong nghiên cứu này, những người tham gia sẽ được yêu cầu tự đánh giá dựa trên tuyên bố "So với những người tham gia nghiên cứu này, tôi không bị thiên vị". Nghiên cứu cho thấy những người tham gia đều tự nâng cao bản thân hơn so với khi họ không thiền định 24 giờ.
Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá mức độ hạnh phúc của người tham gia bằng hai thước đo, mức độ hài lòng với cuộc sống và mức độ hạnh phúc, được đánh giá bằng mức độ hài lòng với tự do ý chí, làm chủ môi trường, tăng trưởng cá nhân, quan hệ tích cực với người khác, mục đích sống và mức độ chấp nhận bản thân. Các nhà nghiên cứu thấy rằng mức độ hạnh phúc tăng lên cùng với việc tự nâng cao bản thân. Kết quả cho thấy việc tự cường hóa có liên quan đến cảm giác hạnh phúc gia tăng mà nhiều người có được từ thiền định.
Theo các tác giả nghiên cứu, phát hiện này cho thấy việc thực hành tâm linh như yoga, thiền định có thể không đạt được mục đích chính xác như những gì người đề xướng thường nói. Bản ngã là yếu tố trung tâm của triết lý Phật giáo và Yoga, và hàm nghĩa của nó cần phải được suy nghĩ lại nghiêm túc. Hơn nữa, việc lắng đọng tâm tư và đi sâu vào bên trong mình sẽ đem lại lợi ích về sức khỏe cơ thể và tâm trí. Nhưng trái ngược lại, các nhà nghiên cứu quan sát thấy rằng các hoạt động nâng cao cơ thể và tâm trí lại tăng cường sự tự nâng cao bản thân hơn.
Mặc dù vậy, vẫn có những lời giải nghĩa khác. Những người tham gia nghiên cứu có thể đã thực hành thiền định và yoga sai cách. Tất cả những người tham gia đều đến từ Đức, vì thế các học giả đã đưa ra giả thiết rằng, các học viên Phật giáo phương Tây không thể thực hành với một mắt hướng về sự vô ngã. Mặc dù yoga và thiền định ban đầu là một cách để rèn luyện bản thân buông bỏ những chấp niệm, sân si, nhưng nhiều học viên không theo đạo Phật đã thực hiện hoạt động này với mục đích tự cải thiện hoặc làm dịu đi những lo lắng cá nhân.
Nhà văn Phật giáo Lewis Richmond đã nói trong một cuộc phỏng vấn với The Huffington Post rằng, thiền thực sự có thể là sự ái kỉ. Ông nói: "Việc ngồi im lặng, nhắm mắt hoặc nhìn vào một bức tường, tập trung vào những thứ nằm bên trong mình qua hơi thở, cơ thể, tâm trí, có thể được miêu tả là một sự tự hấp thụ. Những người thực hành thiền định với quan điểm tự cho mình là trung tâm sẽ có khả năng trở nên ái kỉ cao hơn."
Quan niệm yoga có thể làm tăng cái tôi lên chứ không hề giảm bớt cái tôi xuống không hề gây ngạc nhiên cho nhiều người. Tuy nhiên, nghiên cứu tâm lý này không kiểm chứng xem giáo lý Nhà Phật có ảnh hưởng đến sự tăng cường bản ngã này hay không. Nếu chỉ riêng yoga thì không thể đủ để làm tan biến cái tôi, và một nghiên cứu tâm lý không thể làm mất đi hiệu lực của những bài giảng dạy, thực hành Phật giáo từ hàng ngàn năm nay.
Theo GenK