Bà T.T.H (55 tuổi, Bình Dương) điều trị suy tim độ 2 đã khoảng 3 năm nay. Kể từ thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh, con gái yêu cầu bà H. phải dừng việc đi bộ buổi sáng cùng bạn bè. "Suy tim đã mệt rồi, thể dục làm gì cho khó thở thêm", người con nói.
Ngược lại, ông P.V.B (65 tuổi, Đồng Nai) bắt đầu tập thể dục sau khoảng vài tháng được chẩn đoán suy tim. Ông cho biết ngoài việc uống thuốc và tái khám định kỳ, ông hy vọng việc rèn luyện giúp ông thư thái đầu óc. Tuy nhiên, ông cũng tâm sự chỉ tập theo cảm tính, không được ai hướng dẫn. "Khi nào thấy hơi mệt thì tôi dừng, chắc chỉ khoảng 10-15 phút nhưng vẫn cố", ông B. nói.
Theo bác sĩ Võ Thị Tám, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), chương trình phục hồi chức năng tim mạch có trên thế giới từ rất lâu nhưng người bệnh suy tim tiếp cận còn hạn chế. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy chỉ khoảng 10% bệnh nhân suy tim được tập luyện phục hồi chức năng. Số còn lại không được hướng dẫn, không được tiếp cận hoặc không biết đến việc tập luyện này.
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân suy tim và người nhà về dinh dưỡng, sinh hoạt và dùng thuốc.
Tại Việt Nam, việc tập phục hồi chức năng suy tim vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Theo bác sĩ Tám, nếu tập luyện hàng ngày ở cường độ vừa phải trong 30-45 phút mỗi buổi tập, người bệnh suy tim sẽ giảm lo lắng, trầm cảm; giảm khó thở, giảm cholesterol, đường máu; giảm số lần tái khám, nằm viện và tử vong.
"Mặc dù rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân suy tim nhưng việc triển khai vẫn còn hạn chế. Ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh, từ khi có chương trình quản lý suy tim chúng tôi cũng có cơ hội và điều kiện để hướng dẫn người bệnh các bài tập tại nhà phù hợp", bác sĩ Tám nói.
Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, trước khi có chương trình quản lý suy tim, tỷ lệ tái khám của người bệnh là dưới 40%. Bệnh nhân suy tim hoàn toàn không có kiến thức về tập luyện. Đến khi có phòng khám suy tim riêng biệt, người bệnh được bác sĩ và điều dưỡng chuyên sâu tiếp cận và tư vấn, phổ cập kiến thức. Đồng thời, các câu lạc bộ bệnh nhân suy tim cũng tăng được tính kết nối giữa người bệnh và bác sĩ.
Các bác sĩ lưu ý, việc tập luyện phục hồi chức năng với bệnh nhân suy tim nên ở cường độ vừa phải. Nếu tập ở cường độ quá cao sẽ gây ra tai biến nhưng ở cường độ quá thấp sẽ không đạt được lợi ích. Người bệnh có thể dựa vào khả năng nói chuyện để đánh giá cường độ tối ưu.
"Ví dụ người bệnh đang đi bộ mà nói chuyện đứt hơi, ngắt quãng nghĩa là đang tập luyện quá sức và cần giảm cường độ. Nếu vừa tập và vẫn nói chuyện bình thường được, nghĩa là tập luyện vừa phải", bác sĩ nói.
Trong khi tập, bệnh nhân suy tim cần ngưng lại ngay nếu có các tình trạng như đau bất kể vị trí nào trên cơ thể; khó thở nhiều, mệt; đánh trống ngực; chóng mặt nhiều; buồn nôn; toát mồ hôi lạnh.
Các bài tập luyện sẽ do bác sĩ trực tiếp hướng dẫn và người bệnh có thể thực hiện tại nhà, phù hợp với thể trạng và bệnh lý của mình.
Ngoài ra, bác sĩ Tám cho biết tuỳ mức độ suy tim mà người bệnh nên thực hiện các hoạt động hàng ngày khác nhau. Trong đó, bệnh nhân suy tim độ 1 không cần hạn chế bất kỳ hoạt động thể lực thông thường. Tuy nhiên, người bệnh không nên hoạt động gắng sức với cường độ cao hoặc trong thời gian dài, như tập tạ nặng, chạy nước rút, chạy marathon.
Người bệnh suy tim độ 2 nên duy trì hoạt động ở cường độ vừa như: ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân, làm việc nhà, nấu ăn, đi bộ vận tốc từ 5-7km/h. Người bệnh có thể quan hệ tình dục, leo cầu thang thấp 1- 2 lầu, mang vật nặng vài kg.
Người bệnh suy tim độ 3 nên duy trì hoạt động ở cường độ thấp như ăn uống, thay quần áo, tắm rửa, vệ sinh cá nhân,
làm việc nhà, nấu ăn, đi bộ với vận tốc dưới 5km/h. Ở độ suy tim này, người bệnh phải hạn chế quan hệ tình dục vì đó là hoạt động gắng sức, hạn chế leo cầu thang, mang xách hay làm việc nặng.
Bên cạnh việc tập luyện phù hợp, bác sĩ Nguyễn Tất Đạt, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay người bệnh suy tim cần suy trì một lối sống đúng đắn: duy trì cân nặng lý tưởng, vứt bỏ mọi căng thẳng lo âu, nói không với thuốc lá, bỏ rượu bia, ăn giảm muối....
Ở bệnh nhân suy tim việc theo dõi cân nặng mỗi ngày rất quan trọng. Thời điểm cân thích hợp: buổi sáng trước khi ăn, sau khi đã đi vệ sinh. Nếu thấy tăng cân trên 1-1,5kg/ngày hoặc trên 2,5kg/tuần thì cần báo với bác sĩ.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Văn Chiêu, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, là hậu quả sau cùng của nhiều bệnh lý tim mạch chuyển hóa: tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim….
Hiện nay, số lượng bệnh nhân mắc bệnh suy tim không ngừng gia tăng. Ước tỉnh tỷ lệ mắc suy tim hiện tại trên toàn cầu là 2,4% dân số. Theo một báo cáo từ năm 2010, chi phí điều trị dành cho bệnh nhân suy tim vào khoảng 108 tỷ USD (60% chi phí trong đó là do nằm viện).