- Việc sang tên đổi chủ phương tiện mô tô và ô tô được pháp luật quy định từ rất lâu nhưng từ ngày 10/11/2012 khi nghị định 71 tăng nặng khung hình phạt thì khi đó người dân mới…vỡ lẽ.
Rối như canh hẹ
Mấy ngày qua, câu chuyện 'chính chủ' xôm từ quán cà phê đến quán phở, đâu đâu cũng nghe bàn luận.
Người 'liều lĩnh' thì cho rằng đi xe không chính chủ cũng chẳng sao vì từ bao năm nay vẫn như vậy... Người hay lo thì cho rằng người điều khiển phương tiện không chính chủ sẽ gặp khó khăn khi phương tiện gây tai nạn, hoặc phương tiên trong diện nghi ngờ là tang vật vụ án, lúc đó mới cần đến…chính chủ đến cơ quan công an giải quyết.
Anh Nguyễn Chiến Huy là người kinh doanh xe mô tô cũ trên chợ Chùa Hà (Hà Nội) cho biết: “Hàng ngày chợ xe máy cũ phố Chùa Hà nhập, xuất hàng trăm xe, nếu ai cũng yêu cầu chính chủ thì chỉ có đóng cửa chợ. Thường thì người kinh doanh xe máy cũ chỉ cần người bán photo có công chứng hộ khẩu và CMND người có tên trong đăng ký là được”.
Anh Huy (áo đen) cho biết: Thủ tục sang tên đổi chủ tưởng dễ mà khó... |
Anh Huy cho hay, thủ tục sang tên đổi chủ tưởng dễ mà khó. Anh ví dụ: Một chiếc xe Honda PCX trị giá khoảng 50 triệu, nếu sang tên đổi chủ theo đúng luật pháp chỉ hết có vài trăm nghìn, nhưng ít ai có thể làm được nếu không phải là người chủ thực sự.
Và để sang tên đổi chủ nếu không phải là chủ xe thì phải qua “dịch vụ”, và giá qua “cò” là vài triệu đồng, tùy xe.
Những chiếc xe máy cũ được đăng ký cách đây hơn 20 năm, qua rất nhiều đời chủ, người cuối cùng muốn làm thủ tục rất khó. |
Anh Trần Công Luận (quận Cầu Giấy – Hà Nội) thắc mắc khi thấy phóng viên hỏi về vấn đề chính chủ phương tiện.
Anh Luận cho biết: Từ ngày 6/10/2008 đến ngày 6/12/2010, các phương tiện mô tô đăng ký mới tự quản hồ sơ. Nhưng vì nhiều lý do người chủ phương tiện đã làm thất lạc hồ sơ xe, vậy không có hồ sơ gốc liệu có thể sang tên đổi chủ?
Sang tên phải chứng minh tình trạng hôn nhân
Chị Bùi Thu Huyền (phố Tuệ Tĩnh – Hà Nội) thì rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười như sau: Cách đây hơn một tháng chị có bán chiếc xe máy cũ cho một đồng nghiệp cùng cơ quan.
Bây giờ chị bạn cùng cơ quan “đòi” sang tên chính chủ. Chị Huyền cùng bạn đến UBND phường nơi chị cư trú để làm giấy mua, bán, trao tặng có chứng thực chính quyền địa phương.
Nhưng khi đến UBND phường chị lại được hướng dẫn ra văn phòng công chứng, vì trong danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND phường không có biểu mẫu và không thuộc thẩm quyền giải quyết.
Cửa đến tiếp theo là văn phòng công chứng thì chị Huyền lại nhận được cái lắc đầu vì nhân viên công chứng yêu cầu phải có cả vợ và chồng cùng ký vào giấy mua, bán, trao tặng (theo biểu mẫu), và chồng chị đang đi công tác nước ngoài.
Anh Phạm Thành Nam (quận Ba Đình – Hà Nôi) thì nhăn nhó cho biết: “Tôi bán cái xe máy, người mua muốn sang tên, khi đến phòng công chứng thì được yêu cầu cả vợ ra cùng ký vào giấy chứng thực, nhưng tôi chưa lập gia đình. Nhân viên công chứng lại yêu cầu tôi về UBND phường nơi cư trú để làm giấy xác nhận là… chưa vợ”.
CSGT chưa xử phạt xe không chính chủ. |
Cán bộ một phòng
công chứng cho phóng viên VietNamNet biết: Mấy ngày qua có rất nhiều người đến
công chứng giấy tờ mua, bán, sang tên, đổi chủ, nhưng chỉ 1/3 số vụ được giải
quyết thành công.
2/3 số vụ "mắc" không thể công chứng được vì nhiều lý do như: Phương tiện đã qua nhiều đời chủ, người chủ cuối cùng đứng bán thì không thể tìm người có tên trong đăng ký xe nên không thể chứng thực.
Chiếc xe máy cần mua, bán, trao tặng thuộc tài sản chung của 2 vợ chồng, nếu là tài sản riêng thì người chủ xe cần chứng minh là tài sản trước hôn nhân.
Câu chuyện chính chủ vẫn sẽ được người dân bàn luận sôi nổi dù CSGT chưa phạt người điều khiển không chính chủ nếu chỉ vi phạm luật giao thông bình thường...
Phạm Trần