Từ bán hàng không như quảng cáo, nói xấu nhau nhằm dìm hàng đối thủ, review bẩn hay “bóc phốt sai sự thật”’ cho tới chuyện mua hàng quỵt tiền, thậm chí cả việc ăn cắp hàng của người bán… là những mặt trái của các nhóm chợ cư dân/ bán hàng qua mạng xã hội tại nhiều khu chung cư hay tổ dân phố hiện nay.

Bán hàng không như… quảng cáo

Đi làm về muộn, ngại nấu ăn nên chị Nguyễn Thị Hân (nhân viên kinh doanh, sống tại Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) liền lên chợ cư dân để tìm đồ ăn tối cho cả nhà. Nhớ hôm trước khi lướt Facebook thấy có người quảng cáo chuyên bán đồ hải sản Quảng Ninh tươi ngon mà giá cả hợp lý, thế là chị Hân tìm lại rao vặt đó, lấy số điện thoại rồi đặt 5 suất hải sản chế biến sẵn cho cả gia đình.

“Hí hửng hôm nay sẽ tạo được sự bất ngờ cho cả nhà, một bữa ăn tươi đang chờ đón với những món như cua bể, tôm và sò huyết – những loại hải sản chị và các con luôn háo hức chả khác nào mỗi lần cả nhà đi biển. Thế nhưng hỡi ôi, tôm thì ươn, cua biển thì bé hơn rất nhiều so với hình đăng quảng cáo mà giá thì “chát”, sò huyết thì không tươi. Gọi điện thắc mắc với người bán “sao hàng không đúng như hình đăng”?, thì nhận được câu trả lời: “Chị ơi, tiền nào của nấy. Giá chị mua thì chỉ có cua nhỏ như vậy thôi. Chị thông cảm và ăn giúp em, ship bên em vất vả giao hàng rồi nên chị nhận hàng giúp”, chị Hân kể.

Cũng theo lời chị Hân: “Tức điên người, định không lấy hàng nữa nhưng vì đã tối muộn, cả nhà lại đang chờ đồ ăn mà bây giờ trả hàng thì không biết nói năng thế nào với chồng con. Định trừ tiền hàng thì shipper ỉ ôi: “Chị ơi em chỉ làm thuê, giao hàng nhận tiền. Chị trả thiếu em về bị phạt”. Tôi đành ngậm đắng nuốt cay thanh toán với cục tức ngang họng. Một mặt vẫn phải tươi cười, rồi nịnh chồng con cố ăn và hứa lần sau sẽ bù một bữa ngoài cửa hàng xịn sò". Tuy nhiên theo chị Hân, những trường hợp cá biệt như trên không nhiều, những tình huống “tréo ngoe” của những người bán chộp giật mang lại vốn khó tránh. "Còn lại đa phần việc mua hàng online đều khiến tôi khá hài lòng”, chị Hân kết luận.

Cho cu dan 3=.jpg
Khách hàng đang mua hải sản chế biến sẵn trên một chợ cư dân. Ảnh: Nam Phương

Thực tế, việc một số người bán hàng dùng nick ảo, rao bán giá rẻ nhưng hàng hóa không như thực tế để lừa đảo khách hàng như trường hợp chị Hân gặp phải không hiếm. “Treo đầu dê bán thịt chó” vốn không phải là hiện tượng mới ở trong các chợ cư dân. Việc một số người bán thất đức, làm mất uy tín những tiểu thương khác với chiêu giá rẻ/ bán phá giá, thay đổi nick bán hàng liên tục sau khi bị bóc phốt. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít còn lại đa phần người bán đều muốn giữ chén cơm của mình, họ luôn phải đặt uy tín lên hàng đầu. Buôn bán online đang trở thành xu hướng chính, các chợ cư dân cũng vô cùng nhộn nhịp chẳng khác chợ truyền thống, thậm chí những chợ này còn xuất hiện khá nhiều ngay tại các văn phòng công sở.

Bùng tiền, bóc phốt và đủ chuyện bị hài

Vẫn biết “trăm người bán vạn người mua”, thế nhưng mạng xã hội nói chung, chợ cư dân nói riêng cũng lại là mảnh đất màu mỡ của những đối tượng lừa đảo và làm ăn bất chính (với người bán). Ngoài ra với người mua, chuyện bùng tiền, ăn quỵt, review không đúng sự thật... cũng là hiện tượng không hiếm gặp. Khác với các sàn thương mại điện tử lấy uy tín là số một và có các thiết chế để giám sát thì ở các chợ cư dân, việc trao đổi hàng hóa đều phải dựa trên niềm tin dành cho nhau và đôi khi là cả câu chuyện đạo đức.

“Sáng nay em phải bóc phốt một bạn nữ TikToker khá nổi tiếng sống tại khu biệt thự nơi khu đô thị em đang sinh sống, Mua đồ ăn hết gần 3 triệu qua 5 lần mua cho chịu, nhưng khi đòi tiền thì không chịu trả, chặn số và có ý định ăn quỵt. Khi bài đăng lên, nhiều người bán hàng có chung cảnh ngộ và cùng đưa thêm thông tin. Hóa ra bạn nữ này dùng rất nhiều tài khoản Facebook và số điện thoại khác nhau để đặt hàng, nhận xong nhưng không muốn thanh toán”, chị Hồ Thị Thương – chủ một shop bán đồ nhậu tại Khu đô thị Vinhomes Ocean Park Gia Lâm (Hà Nội) chia sẻ.

Theo chị Thương, do nữ khách hàng này sống ở khu biệt thự, nên người ngoài không thể tự tiện vào nhà do khu có an ninh 24/7.” Lúc giao hàng thì chủ nhân nói chuyện với bảo vệ shipper mới được vào. Khi nhận hàng, khách toàn yêu cầu để ở cửa nhà, không nhận hàng trực tiếp. Mỗi lần đặt hàng đều nói, "chỉ cần giao tới địa chỉ đó, em chuyển khoản sau nhé". Vì muốn bán được hàng nên ai cũng “tặc lưỡi”, để rồi rất nhiều người trở thành nạn nhân của các “Trạng Bùng” thời 4.0 như vậy”, chị Thương bức xúc kể lại.

Thực tế, không chỉ câu chuyện bùng tiền mà những trò review bẩn, nói xấu trên mạng, cạnh tranh không lành mạnh ở các nhóm chợ cư dân cũng rất bi hài và nhiều tình huống cười ra nước mắt. Do kết nối qua mạng xã hội nên danh tính của người mua khó xác thực (nếu người bùng tiền cố tình), do đó các tình trạng lừa đảo và bùng tiền đang là vấn nạn chưa có thuốc đặc trị của loại hình chợ trên mạng thời 4.0 này.

Nam Phương