Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai cho biết qua kết quả rà soát, tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh còn 23.886 hộ nghèo, chiếm 6,07%; 34.546 hộ cận nghèo, chiếm 8,77%. Kết quả giảm hộ nghèo năm 2024 của tỉnh là 2,04%, đạt 101,91% so với kế hoạch. Hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 4,34% đạt 144% so với kế hoạch. 

Thành quả giảm nghèo tại Gia Lai không chỉ thể hiện ở hiệu quả các giải pháp thiết thực, trúng đích mà còn ở việc nhận thức của hộ nghèo về thực hiện chủ trương thoát nghèo bền vững đã dần thay đổi.

Họ hiểu được trách nhiệm thoát nghèo là trách nhiệm chính của gia đình; Nhà nước và xã hội chỉ hỗ trợ một phần các điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững. Đây cũng là mục tiêu lớn mà Gia Lai đặt ra trong kế hoạch giảm nghèo được ban hành mỗi năm. 

Vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Khoảng 90% hộ nghèo, cận nghèo tại Gia Lai thuộc nhóm đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách giảm nghèo tại đây cũng tập trung cho các đối tượng này. Bên cạnh sự hỗ trợ thiết thực của nhà nước bằng vốn, chính sách ưu tiên, Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững" của tỉnh Gia Lai càng có vai trò quan trọng.

5 năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp tại Gia Lai đã tập trung khảo sát, xây dựng 713 mô hình với 80.337 hộ tham gia thực hiện và nhân rộng 324 mô hình với 14.238 hộ tham gia thực hiện. 

Lãnh đạo MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết kết quả thực hiện cuộc vận động đã giúp trên 10.600 hộ đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Đến nay đồng bào DTTS nghèo đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước, biết tự lực vươn lên.

Thực tế, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cùng với việc thay đổi phương thức hỗ trợ không "cấp không" mà theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhận thức của người dân tại Gia Lai đã có thay đổi rõ nét trong công tác giảm nghèo.

W-nong-nghiep-nha-kinh-ng-hue-14-1.jpg
Nhờ được đào tạo, hướng dẫn theo hướng cầm tay, chỉ việc, người dân thêm hiểu biết trong trồng trọt, chăn nuôi.

Tại huyện Đức Cơ, đối với chương trình nhà ở, Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, người dân đối ứng 40 triệu đồng bằng cách vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Còn đối với chương trình hỗ trợ bò sinh sản trong Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, người dân đối ứng bằng cách làm chuồng trại. Tới đây, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Vận động phải rất kiên trì, đúng địa chỉ

Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm bền vững - hướng đi được khẳng định là phù hợp trên tiến trình giảm nghèo tại nhiều địa phương. Tại Gia Lai, qua các lớp đào tạo nghề, học viên là lao động nghèo, dân tộc thiểu số đã áp dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất, tạo thêm thu nhập. 

Năm 2024, chị Kpăh H’Buyn ở buôn Ia Rniu, xã Ia Broắi, huyện Ia Pa, mạnh dạn trong ý tưởng mở rộng sản xuất theo hướng thương mại để nâng cao thu nhập cho gia đình. Trước đó, chị từng trồng rau xanh nhưng do không có kỹ thuật, khoa học, nên cây chậm phát triển, năng suất rất kém. Tham gia lớp học đào tạo nghề chăm sóc rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chị được giảng viên hướng dẫn trồng rau theo quy trình khép kín từ kỹ thuật làm đất, bón phân, quản lý dịch bệnh đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện vườn rau của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt. 

Anh Ksor Dêl (làng Blôm, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) tham gia lớp học nghề sửa chữa máy cày. Kiến thức từ khoá học không chỉ giúp anh tự mở cơ sở riêng với mức thu nhập ổn định mà còn là nền tảng để anh nuôi kế hoạch nhận học viên nghèo, giúp họ có nghề nghiệp ổn định.

Tại huyện Ia Pa nơi chị H'Buyn và anh Dêl sinh sống, chính quyền mở 15 lớp đào tạo nghề với gần 350 học viên là người dân tộc thiểu số tham gia. Nhiều người sau khi được vận động tham gia các khoá học đã tự tin lao động, mạnh dạn khởi nghiệp.

Thay đổi nhận thức, từng bước chuyển đổi hành vi của người dân nghèo, đồng bào DTTS về giá trị của lao động hợp pháp, chân chính trong giảm nghèo là câu chuyện đòi hỏi sự kiên trì. Để có thành quả, cán bộ từng cấp thôn, xóm, xã, huyện... phải nắm rõ tâm tư nguyện vọng của từng lao động trong các hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, để có hướng vận động, hỗ trợ phù hợp. 

Đơn cử, ở xã Đak Sơ Mei hay Ia Pết của huyện Đak Đoa có gần 90% dân số là người DTTS. Đại đa số hộ nghèo cũng trong nhóm này. Nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo muốn đi xuất khẩu lao động nhưng không có chi phí ban đầu để học định hướng, khám sức khỏe. Nhiều hộ gia đình và người lao động còn tâm lý không muốn đi xa làm việc xa gia đình, quê hương trong 3 năm; lại ngại tiếp cận những điều kiện mới… nên số lao động là người DTTS, người nghèo đi xuất khẩu lao động còn thấp.

Để thay đổi tư duy cho lao động người DTTS, những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc trong công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động. Từ năm 2021 đến tháng 7/2024, huyện Đak Đoa có 139 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 6 lao động là người DTTS, đều ở xã Glar.

Anh Hlê là một trong số đó. Nhà anh Hlê vốn thuộc hộ nghèo ở làng Adơk Kông. Năm 2024 là năm thứ 2 anh đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Khi nghe chính quyền vận động, tuyên truyền về giá trị của đi xuất khẩu lao động, anh Hlê mạnh dạn đăng ký, quyết chí vươn lên. Nhờ chăm chỉ lao động, lại biết tiết kiệm chi tiêu, hàng tháng anh gửi tiền về cho gia đình, gom góp mua đất sản xuất. Đầu năm 2024, lần đầu tiên hộ gia đình anh đã thoát nghèo, không những thế còn có vốn tích lũy để phát triển kinh tế.

Tấm gương mạnh dạn của những người đi xuất khẩu lao động như anh Hlê được nhiều người trong xã chia sẻ. Qua đó, bà con cũng hiểu hơn về việc xuất khẩu lao động là giải pháp tạo việc làm hiệu quả với mức thu nhập cao, góp phần giảm nghèo bền vững. Xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các chương trình, kế hoạch, đặc biệt là tổ chức hội nghị đối thoại với người dân về các chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác này.

Tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, hiện có 34 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu làm việc tại các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…, đem lại thu nhập mỗi lao động 20-30 triệu đồng/tháng. Riêng năm 2024, xã có 10 người đi xuất khẩu lao động. 

Với không ít gia đình có người đi xuất khẩu lao động nước ngoài, trong đó nhiều người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, số tiền gửi về hàng tháng không chỉ dùng cho sinh hoạt hàng ngày, trang trải việc học tập, chăm lo dinh dưỡng cho các con hay sửa sang nhà cửa mà còn để dành chuẩn bị cho sinh kế, việc làm ổn định khi lao động trở về nước. Điều này có nghĩa, đây là hướng đi giảm nghèo không chỉ đa chiều mà còn lâu dài, bền vững.