Huyện Lệ Thủy, Quảng bình hiện có 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy chủ yếu thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều với gần 1.600 hộ dân sinh sống tại 24 thôn, bản, sinh kế của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy, một phần ruộng nước.

Các địa phương này có địa hình phức tạp, nhiều khe suối, đồi núi, giao thông đi lại khó khăn và thường xuyên bị chia cắt trong mùa mưa lũ. Hiện, 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lệ Thủy có 817 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ hơn 37%), hộ cận nghèo 364 hộ (chiếm tỷ lệ hơn 16%)...

Thời gian qua, Huyện Lệ Thuỷ đã được giao hơn 200 tỷ đồng để thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có gần 123 tỷ vốn đầu tư công, hơn 77 tỷ vốn sự nghiệp. 

z6114904745672_3c55a348a09602e17ba867e3b5cf737a.jpg
Đồng bào Bru-Vân Kiều ở cụm Còi, bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy  

Từ nguồn vốn này, huyện đã xây dựng được 10 công trình giao thông nông thôn, 5 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ xây mới nhà ở cho 102 hộ đồng bào, xây dựng công trình nước sinh hoạt ở các bản: Bản Mới, Xà Khía, Tăng Ký, Tân Ly (xã Lâm Thủy).

Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 215 hộ nâng cao thu nhập cho đồng bào, hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa và mua sắm cơ sở vật chất cho một số trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện giúp nâng cao chất lượng dạy và học….đem lại kết quả nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở 3 xã miền núi Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy.

Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn giúp nâng cao nhận thức của nhân dân về các quy định của pháp luật liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bảo vệ rừng. Tổ chức các lớp về hướng nghiệp, dạy nghề giúp người dân nâng cao nhận thức về định hướng nghề nghiệp, tạo cơ hội chuyển đổi nghề phù hợp điều kiện, hỗ trợ phụ cấp cô đỡ thôn, bản giúp nâng cao chất lượng y tế các xã miền núi…

Ông Võ Minh Hải, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy cho biết, mặc dù cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng vẫn chưa đồng bộ, kinh tế - xã hội chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao so với mặt bằng chung của toàn huyện.

Những kết quả đạt được của chương trình là tích cực, tuy nhiên, địa phương vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ như: Tỷ lệ giải ngân vốn của chương trình trên địa bàn huyện đạt khá thấp so với kế hoạch vốn, tiến độ thực hiện chương trình còn chậm, chưa bảo đảm kế hoạch đề ra.

Huyện cũng chưa bố trí vốn đối ứng theo quy địn của HĐND tỉnh, nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện các nội dung ở các dự án rất lớn, trong khi đó, số lượng có nhu cầu thấp, trùng với các chương trình, dự án khác, có dự án đã hết đối tượng, do vậy, phải trả lại ngân sách hoặc chuyển sang dự án khác…

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, huyện Lệ Thủy đã đề nghị HĐND tỉnh cần có nghị quyết quy định định mức hỗ trợ cụ thể đối với nguồn vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở thuộc dự án 1, dự án 2 của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Phân bổ nguồn bổ sung ngân sách tỉnh để hỗ trợ cho những hộ gia đình đã làm xong nhà ở năm 2023, có ý kiến với Ngân hàng Chính sách xã hội để bố trí vốn vay cho bà con làm nhà ở, tăng cường đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung có quy mô, bảo đảm chất lượng, xem xét mở rộng phạm vi quy định hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng việc hỗ trợ vật nuôi, nâng mức hỗ trợ vốn đối ứng của tỉnh lên ít nhất là 20 triệu/căn nhà, phát triển hạ tầng đồng bộ và đạt hiệu quả đầu tư cao hơn…