Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại tài sản công. Trong đó, tập trung vào việc sử dụng, quản lý tài sản là nhà, đất do 2 loại tài sản này chiếm tới 90% giá trị tài sản công.
Bộ Tài chính cho hay, tính đến 31/12/2016, tổng giá trị tài sản công là hơn 1 triệu tỷ đồng (trong đó, tài sản là quyền sử dụng đất là hơn 680 nghìn tỷ đồng, chiếm 65%; tài sản là nhà chiếm trên 265 nghìn tỷ đồng, chiếm 25%).
Như vậy trong tổng giá trị tài sản công, tài sản là nhà, đất chiếm giá trị lớn nhất.
Thế nhưng, Bộ Tài chính đánh giá việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước còn nhiều hạn chế. Đơn cử nhiều đơn vị chưa nghiêm túc chấp hành chấm dứt việc sử dụng nhà, đất cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết chưa đúng quy định, thậm chí có trường hợp còn phát sinh thêm.
"Bảo tàng bán bia" là minh chứng của việc sử dụng đất công không đúng quy định. |
Dự thảo Nghị định lần này cũng đề ra phương thức xử lý đối với trường hợp nhà, đất sử dụng không đúng quy định như: không sử dụng, cho mượn, cho thuê, hợp tác, liên doanh, liên kết.
Theo quy định hiện hành trường hợp cho thuê, liên doanh, liên kết chưa đúng quy định (sau 06 tháng kể từ ngày Quyết định 09/2007/QĐ-TTg có hiệu lực không chấm dứt Nhà nước sẽ thu hồi). Thực tế, những cơ sở nhà, đất chỉ cho thuê, liên doanh, liên kết một phần mà không thể tách biệt việc thực hiện thu hồi khó khả thi.
Vì vậy, tại dự thảo lần này Bộ Tài chính dự kiến quy định phương án xử lý trong 2 trường hợp.
Một là trường hợp sử dụng không đúng quy định toàn bộ hoặc một phần khuôn viên có thể tách thành cơ sở độc lập, Nhà nước sẽ thu hồi.
Hai là trường hợp sử dụng không đúng quy định một phần khuôn viên mà không thể tách thành cơ sở độc lập: UBND cấp tỉnh, Bộ Tài chính căn cứ hiện trạng sử dụng, phương án tổng thể để quyết định xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và pháp luật có liên quan.
Đối với việc xử lý nhà, đất đã bố trí làm nhà ở, dự thảo đã quy định nhà, đất đã bố trí làm nhà ở đủ điều kiện thì chuyển giao địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về đất đai. Còn nếu nhà, đất đã bố trí làm nhà ở không đủ các điều kiện để chuyển giao thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất để sử dụng đúng mục đích.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định quy định mới về quản lý số tiền thu được sau khi sắp xếp lại nhà, đất.
Theo quy định hiện hành, số tiền thu được từ sắp xếp nhà, đất được nộp vào tài khoản tạm giữ của các bộ, ngành, địa phương và được sử dụng để chi đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chi hỗ trợ di dời các hộ gia đình, cá nhân đã bố trí làm nhà ở trong khuôn viên các cơ sở nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị...
Nhưng, tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính đề nghị quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ sắp xếp lại nhà, đất theo hướng nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước (sau khi trừ các chi phí có liên quan), việc chi cho các mục tiêu theo quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có) được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.
L.Bằng