Nhưng bảo tồn đâu chỉ có ý nghĩa tinh thần, bảo tồn cũng là phát triển, cũng kiếm ra tiền. Nếu có bảo tồn tốt thì bản thân người dân và các đô thị đều có lợi nhờ thu hút khách du lịch.

>> Giàu để làm gì, nếu cuộc sống không chất lượng hơn

>> Hồn Sài Gòn có thể... quy ra tiền không?

Một trường hợp hy hữu...

Đầu tháng 10/2014, hơn 300 người gồm kiến trúc sư, nhà nghiên cứu các lĩnh vực, sinh viên... đã cùng ký vào bản kiến nghị để Tổng lãnh sự (TLS) danh dự Phần Lan gởi kèm bản kiến nghị bảo tồn Thương xá Tax đến UBND TPHCM.

TLS Phần Lan sẵn sàng bỏ chi phí cho việc bảo tồn này theo phương án thích hợp. Đây là một trường hợp hy hữu khi mà các nhà ngoại giao phương Tây lại kết hợp với người dân địa phương làm công tác bảo tồn di sản văn hóa cho Sài Gòn.

Nhưng thực ra đó chỉ là hành động để có tác động mạnh hơn đến chính quyền thành phố. Bởi rất nhiều người dân Sài Gòn cũng mong mỏi có thể lưu giữ lại những dấu ấn có một không hai trong đô thị của họ.

{keywords}

Thương xá Tax ở Quận 1, TP.HCM. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN

Trước đó, họ  đã lập ra những trang mạng chụp lại những hình ảnh của Sài Gòn xưa, đối sánh với Sài Gòn nay. Họ cũng đưa lại nhiều hình ảnh và bình luận trên FB cá nhân đề nghị giữ lại những di sản đô thị 300 năm của thành phố. Trong khi đó, các kiến trúc sư, trí thức, nhà văn hóa thì tham gia nhiều bài thể hiện quan điểm về những di sản mà thành phố có thể đánh mất.

Số liệu công bố tại một Hội thảo về "Bảo tồn di sản và phát triển đô thị bền vững" do Viện Nguyên cứu phát triển TPHCM tổ chức hồi tháng 3, cho thấy trong 10 năm từ 1993 - 2013, trong khu trung tâm TPHCM có đến 207/377 công trình xây dựng có giá trị di sản bị phá bỏ hoặc biến dạng. Số còn lại chỉ có 14 công trình được trùng tu, 96 công trình được giữ gìn, 35 công trình ít biến đổi, 9 công trình xuống cấp, và 9 công trình chưa xác định.

Nói về "tốc độ" biến mất của các biệt thự có giá trị di sản tại TPHCM, ông Tim Doling, nhà nghiên cứu về lịch sử kiến trúc TPHCM, tác giả cuốn Exploring Ho Chi Minh City, kể: "Trong thời gian sáu tháng chờ in cuốn sách hướng dẫn du lịch về các di sản của TPHCM, tôi phải loại ra khỏi bản thảo năm địa chỉ biệt thự vì nó đã bị phá bỏ".

Bảo tồn cũng chính là phát triển

Không thể phủ nhận ưu thế của một cao ốc 40 tầng đưa vào kinh doanh thương mại. Tương tự, thành phố HCM cũng rất cần có một ga tàu điện  ngầm mới, một cây cầu Thủ Thiêm hiện đại, v.v...

Tuy nhiên, vì sao không thể xây dựng những công trình này ở chỗ khác hoặc tính phương án để giảm tối đa việc phá bỏ, mà thay vào đó chúng ta lại lựa chọn dỡ đi một tòa thương xá 130 năm tuổi, đốn khoảng 450 cây xanh, chủ yếu là cổ thụ hàng trăm năm tuổi, v.v...?

{keywords}

Hình ảnh thương xá Tax trên bưu thiếp xưa, khi đó còn mang tên Les Grands Magasins Charner (GMC) - Ảnh: Tư liệu/  Thanh niên

Bản thân  quận 1, TPHCM chỉ rộng vẻn vẹn hơn 7 km2. Với diện tích này, theo thiển ý của tôi, người dân hoàn toàn có thể đi bộ hoặc các phương tiện nhẹ như xe du lịch chuyên dụng, xe bus trong những khu vực trung tâm vốn chỉ rộng khoảng 3-4 km2 là cùng. Trong khi TPHCM từ lâu đã được quy hoạch phát triển vượt ra khỏi khu đô thị cũ. Các vùng đô thị mới ở Nam Sài Gòn, Thủ Thiêm và các khu mở rộng về hướng Thủ Đức, Củ Chi... đều là những vùng đất rộng, có thể xây dựng nhiều công trình lớn mà không vướng víu vào việc phải di dời, giải tỏa và dỡ bỏ những di sản cần bảo tồn?

Vì sao TPHCM không thể học tập các thành phố lớn tại châu Á trong bảo tồn không gian đô thị xưa và phát triển ở các vùng đô thị mới rất thành công, chẳng hạn như Thượng Hải và Seoul. Thượng Hải vẫn giữ gìn bản sắc lâu đời tại khu Phố Tây và hiện đại hóa chóng mặt tại khu Phố Đông. Tương tự, Seoul vẫn giữ nét cổ kính đầy hài hòa của kinh thành xưa ở khu Kang Bắc, còn Kang Nam trở thành khu mới phát triển nhanh với những tiện ích của đô thị mới đầy hiện đại và văn minh.

Bảo tồn là giữ cho con cháu nhiều đời của chúng ta có được giá trị tinh thần về di sản hàng trăm năm, hàng ngàn năm mà cha ông đã khai phá, gây dựng trên một đô thị xưa. Nhưng bảo tồn đâu chỉ có ý nghĩa tinh thần, bảo tồn cũng là phát triển, cũng kiếm ra tiền. Nếu có bảo tồn tốt thì bản thân người dân và các đô thị đều có lợi nhờ thu hút khách du lịch.

Tôi đã nhiều lần thăm viếng những khu nhà cổ tại trung tâm khu Phố Tây tại Thượng Hải. Vì sinh sống trong các khu nhà này khá bất tiện và chật chội, thành phố Thượng Hải đã cấp nhà và tiền bạc cho cư dân di dời sang các vùng đô thị mới để sinh sống. Mặt khác, chính quyền thành phố cho trùng tu và bảo tồn những khu nhà cũ này và biến thành nơi đón tiếp du khách đến tham quan, mua sắm đồ lưu niệm, du ngoạn.

Tương tự, tại Seoul, mặc dù Kang Nam rất hoành tráng nhưng chủ yếu các chương trình du lịch tại đây là dẫn du khách đi thăm Kang Bắc. Vì nơi đó mới có đền đài, cung điện, chợ búa, nhà cửa của thành Seoul xa xưa. Ngay cả khu làng với các nhà Hanok cổ truyền, chật chội xưa ở đây cũng đã biến thành một  địa điểm du lịch tuyệt vời ở nơi này. Cư dân Seoul vì vậy vẫn phần nào được hưởng không khí và văn hóa của một thành phố có hàng ngàn năm tuổi trong khi vẫn ở một thủ đô hiện đại bậc nhất thế giới.

{keywords}

Những hàng cây tuyệt đẹp của Sài Gòn sắp bị đốn hạ. Ảnh: Zing.vn

Vì sao không tìm giải pháp thông minh hơn ?

Mặc dù báo chí có đưa nhiều thông tin về việc TPHCM đã có cân nhắc khi phá bỏ các tòa kiến trúc xưa, chặt hàng loạt cây cổ thụ... Song có thể thấy các cân nhắc này vẫn còn rất hạn chế.

Chẳng hạn, vì sao các nhà quản lý đô thị TPHCM lại không đưa việc này ra bàn bạc, lấy ý kiến rộng rãi của cư dân, vốn là các chủ nhân của thành phố, khi di sản đô thị của họ sẽ biến mất? Vì sao ta không thể mở ra các cuộc thi lấy sáng kiến và ý tưởng xây dựng các công trình mới mà vẫn bảo tồn được di sản xưa? Bởi nếu có những nỗ lực như vậy, chắc chắc TPHCM và cư dân ở đây cũng sẽ tìm ra những giải pháp thông minh nhất cho bài toán bảo tồn và phát triển này.

KTS Tô Kiên, Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore trong  Hội thảo "Bảo tồn di sản và phát triển đô thị bền vững" đã cho rằng cái mà chính quyền TPHCM cần lúc này là sự quản trị đủ mạnh để thực hiện chính sách đáp ứng cả bảo tồn và phát triển.

Trách nhiệm của những người đang nắm giữ trọng trách quản lý TPHCM hiện nay rất nặng nề, và rõ ràng cần có nhiều thận trọng hơn. Bởi  chúng ta không thể để lại cho con cháu một thành phố sau hàng vài trăm năm mới tinh như vừa xuất hiện trên trái đất. Nói như bà Nguyễn Thị Hậu, tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thì nó sẽ là: "Một vùng đất đánh mất ký ức, một thành phố không còn ký ức, những thế hệ con người không có ký ức... chẳng ai muốn điều đó xảy ra"

Nguyễn Anh Thi

----

Tham khảo:

Sài Gòn xưa cần được bảo tồn và phát triển, Hochiminhcity.gov.vn, 07/4/2014.

Hơn 300 người ký bản kiến nghị bảo tồn di sản tại Thương xá Tax, Thesaigontimes, 7/10/2014.

Những hàng cây tuyệt đẹp của Sài Gòn sắp bị đốn hạ, News.zing, 02/10/2014.

Làng Hanok - Bài học về sự cân bằng trong bảo tồn và phát triển của Hàn Quốc, Thethaotv, 05/10/2014.