Hỏi: Tôi vừa nhặt được một chiếc túi trong nhà vệ sinh của một trung tâm thương mại, khi kiểm tra thì thấy bên trong có hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, ngoài số tiền ra thì không có bất cứ giấy tờ cá nhân hoặc thông tin nào về chủ nhân số tiền này. Vậy tôi có được sử dụng số tiền này không hay phải mang nộp cho công an?
Ngọc Lan (Biên Hòa)
Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời: Số tiền chị nhặt được trong trường hợp này pháp luật xác định là "tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên".
Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
UBND cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu (Điều 230 BLDS 2015).
Luật sư Trần Đình Dũng |
Sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
- Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước (Khoản 2 Điều 230 BLDS).
Vì vậy, chị cần phải nhanh chóng liên hệ UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để làm thủ tục nộp tạm số tiền 200 triệu đó. Nếu chưa thực hiện như trên mà bạn tự ý sử dụng số tiền trên thì chị sẽ vi phạm quy định của pháp luật.
Chém kẻ sát nhân để cứu người liệu có phạm tội?
Một người muốn xông vào cứu nạn nhân khỏi tay kẻ giết người mang lo lắng, chính mình trở thành tội phạm.
Thanh Phương (ghi)