Giả sử như ngày trước ngành chức năng không quyết tâm xử lý "Hàm cá mập" và các công trình khác, Hồ Gươm có biến thành cái "ao làng" thấp bé?

>> Dân không đồng ý, khó mà xử phạt!

>> Chuyện gì cũng "chạy" được?

Thông tư số 02/2014/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 2/4/2014, có vẻ như  lại thêm dẫn chứng cho câu chuyện về luật pháp Việt Nam không nghiêm, vô tình thành ra "hợp thực hóa" hành vi phạm luật, để việc quản lý đô thị vốn đã quá lỏng lẻo, hỗn tạp, nay càng có cớ vi phạm nhiều hơn.

Khi đồng tiền có thể thay luật

Nghị định 121/2013/NĐ-CP được ban hành đã gây nhiều phản ứng trong dư luận bởi nhiều điều khoản không rõ ràng cụ thể, thì Thông tư 02/2014/TT-BXD bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/4/2014 "hợp thức hóa" nghị định và đặc biệt trong đó nói rõ: "....Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng".

Phải chăng là từ 2/4/2014, bất kể công trình xây dựng nào sai phép đều được nộp tiền "phạt để tồn tại"? Và thế là những công trình xây dựng từ nay có thể "xây cho nhà cao cao mãi", có thể xây những "bao diêm" siêu mỏng, những ngôi nhà "hàm cá mập" kệch cỡm vây xung quanh các công trình di sản di tích văn hóa, hoặc phá vỡ tổng thể quy hoạch của tỉnh thành..., cũng không sao? Nộp tiền là xong. Lại còn được điều chỉnh giấy phép xây dựng cho phù hợp.

Đưa ra thông tư này, phải chăng ngành xây dựng ngụy biện để "đồng tiền hóa" luật? Làm cho sự nghiêm minh của luật pháp nhà nước không còn giá trị, và việc thượng tôn pháp luật không còn ý nghĩa gì. Tiền là giải quyết được hết?

Không thể biện bạch là điều khoản đó để không làm lãng phí tiền của, công sức của chủ doanh nghiệp, chủ dự án nếu dỡ bỏ hay phá hủy, vì đó cũng là tiền bạc của xã hội. Hay là góp vào ngân khố Nhà nước tiền phạt của họ, là làm "hợp lòng dân". Người viết bài tin rằng, chẳng có người dân nào "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" lại đồng tình với việc cố tình phạm luật. Mà chỉ có những người ỷ tiền nhiều, sức lớn, có thể 'tay che trời" mới dám vi phạm luật... "Hợp lòng dân" e chỉ là một cách nói lấp liếm cho hợp pháp. Vậy Luật Xây dựng để làm gì khi chỉ cần tiền là giải quyết được tất cả những sai phạm trong xây dựng?

{keywords}

Nhà siêu mỏng trên tuyến đường mới mở của huyện Từ Liêm. Ảnh: Hoàng Lâm/ TTXVN

Cứ giả sử như ngày trước mà ngành chức năng không quyết tâm xử phạt bắt "chém" bớt cái "Hàm cá mập" ở cạnh Hồ Gươm, hay dừng cái dự án tòa nhà EVN, công trình "Hà Nội vàng" xung quanh Hồ Gươm, thử hỏi Thủ đô Hà Nội có còn không gian hồ đẹp như hiện tại, mang biểu tượng hồn thiêng, linh khí nước Việt. Hay Hồ Gươm biến thành cái "ao làng" thấp bé từ lâu, bởi các tòa nhà cao tầng, thô thiển xung quanh.

Việc đưa Thông tư 02 này vào thi hành, sẽ là một cách tạo những tiền lệ xấu trong ngành xây dựng (và còn có thể ở nhiều ngành khác trong tương lai), tạo diều kiện cho những tiêu cực trong ngành xây dựng càng phát triển, những lộn xộn trong quy hoạch xây dựng lâu nay gần như bó tay khó giải quyết, nay sẽ càng lộn xộn hơn.

Ai cũng hiểu một cái giấy phép xây dựng có quy trình như thế nào. Và khi điều chỉnh lại giấy phép xây dựng khi công trình sai phép và bị, hay "được" nộp phạt - nộp phạt bao nhiêu..., thì nó sẽ có những "zích zắc" gì trong đó?

"Phạt để tồn tại" có giảm sai phạm?

Ngay từ khi chưa có Nghi định 121 và Thông tư 02 của Bộ Xây dựng, thì những vi phạm xây dựng trái phép đã là chuyện "thường ngày ở Hà Nội" và nhiều đô thị khác. Như chính phát biểu của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên: "Thực tế thời gian qua và đặc biệt qua khảo sát hầu hết 100 giấy phép xây dựng phát ra của các thành phố lớn như Hà Nội thì có đến khoảng 70% trường hợp xây dựng sai phép!".

Cũng theo ông Phạm Gia Yên: "Giải pháp mà Thông tư đưa ra nhằm giải quyết những vấn đề từ thực tế nóng bỏng hiện nay". Nghĩa là để giải quyết những công trình xây dựng trái phép hiện hành. Nhưng trong Nghị định và Thông tư có nói là chỉ giải quyết phạt những công trình đã xây dựng và đang tồn tại..., mà bỏ ngỏ một cách "linh hoạt" trong các điều khoản quy định. Có nghĩa là từ ngày 2/4/2014, nếu ai có xây dựng gì đều có quyền xây trái phép và sau đó nộp phạt để công trình tiếp tục xây và tồn tại.

Nghị định, Thông tư chưa có hiệu lực mà chỉ một TP.Hà Nội đã có tới 70 /100 trường hợp xây dựng trái phép, vi phạm Luật Xây dựng ở nhiều cấp độ khác nhau. Nay Nghị định 121 và Thông tư 02 có hiệu lực, liệu số sai phạm xây dựng sẽ tăng lên bao nhiêu %? Và khi đó những sai phạm nghiêm trọng mà hiện tại có thể còn chưa được phát hiện hết, Bộ Xây dựng sẽ xử lý như thế nào?

Khi điều chỉnh bằng Luật, người ta còn tìm cách lách luật để vi phạm, nay được "nới lỏng", "cởi mở", "tháo khoán" một cách linh hoạt  hỏi xem sai phạm trong xây dựng tăng hay giảm? Không ai ngây thơ mà cho rằng cái Nghị định và Thông tư này sẽ triệt tiêu hay giảm thiểu những sai phạm trong xây dựng. Mà chắc chắn nó là cơ sở để những kẻ lợi dụng kẽ hở rất "thoáng"  hợp pháp hóa những sai phạm, gây thêm nhiều nhiễu loạn phức tạp trong ngành xây dựng.

Nghị định, Thông tư ban ra, "phạt để tồn tại", phải chăng còn là một cách "phình" ra thêm bộ máy hành chính của Bộ. Bởi muốn thu 40%, 50% giá trị công trình xây dựng trái phép, thì phải có một cơ quan giám định, rồi sau đó lại phải điều chỉnh cấp phép lại...

Và thêm một giả định, nếu như sau khi điều chỉnh lại tiếp tục sai phạm nữa, thì lại tiếp tục điệp khúc "phạt để tồn tại"? Chưa tính đến chuyện khi ai cũng có thể "phạt để tồn tại" thì ai cũng có thể xây dựng công trình trái phép.

Đúng là Tiền là Tiên là Phật..../ là cán cân công lý/ tiền là hết ý....

Trả lời trên Tiền Phong, ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ông không đồng tình với quan điểm cho phép được nộp phạt để các công trình xây dựng sai phạm được tồn tại.

“Nguyên tắc của luật pháp đã sai phạm là phải xử lý nghiêm. Lâu nay sai phạm phổ biến nhất trong xây dựng thường là đội tầng, xây thêm tầng trái phép, tôi nghĩ với loại sai phạm này thì dỡ bỏ tầng vừa lên trái phép chứ có khó khăn gì. Còn nếu cứ vi phạm lại được nộp phạt để tồn tại thì luật chẳng có giá trị gì, chẳng để làm gì và cũng chẳng răn đe được ai cả”.

Theo ông Liêm quy định cho phép công trình sai phạm nộp tiền để tồn tại không chỉ làm giảm đi tính nghiêm minh của luật pháp mà sẽ tạo tiền lệ xấu để nhiều người hợp pháp hóa cho các công trình sai phạm.

“Nếu phạt tồn tại thì cứ xây nhà sai phép rồi nộp phạt hiệu quả hơn nhiều là phải làm thủ tục xin phép vì số tiền phạt không bao giờ theo kịp giá trị nhà nếu được tồn tại. Hơn nữa để cho xây rồi thu tiền phạt thì sẽ dẫn đến vấn nạn là các nhân viên nhà nước làm ngơ để trục lợi. Các chủ công trình họ sẽ sẵn sàng được nộp phạt để hợp thức hóa sai phạm và chẳng khác nào xây một được hai”, ông Liêm nói.

Trong trường hợp nếu áp dụng hình thức cho nộp tiền phạt, theo ông Liêm thì phải nâng mức tiền phạt lên cao gấp nhiều lần giá trị của phần xây dựng trái phép, lúc ấy may ra người dân và doanh nghiệp mới cân nhắc trước hai lựa chọn: hoặc là xây dựng đúng quy định, hoặc là xây dựng trái phép và phải chịu một mức phạt lớn.

  • Minh Châu