Đã có nhiều trao đổi được đưa ra tại hội thảo “Khung đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 24/12 tại Hà Nội.
Hội thảo nhằm thảo luận về các nội dung cơ bản của chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN), từ đó thống nhất xây dựng khung đề án chuyển đổi số và xây dựng đề án chuyển đổi số trong GDNN để trình chính phủ ban hành vào năm 2021.
TS. Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (bên trái) chủ trì hội thảo “Khung đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp” diễn ra sáng ngày 24/12. |
Đối tượng chính là người dạy và người học
TS. Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng đã có nhiều mô hình chuyển đổi số thành công ở nước ta, ví dụ như Bộ Y tế. “Trong xu thế này, chúng ta phải làm thế nào? Nếu làm chậm sẽ không đáp ứng được nội hàm của đổi mới GDNN và yêu cầu phát triển nền kinh tế. Vì thế, ngành xác định chuyển đổi số trong GDNN phải làm thần tốc, nhưng làm chắc chắn, có hệ thống, có tính kế thừa để việc này không chỉ cho năm 2021 - 2022 mà còn cho nhiều năm sau nữa”.
Chuyển đổi số làm sao để thay đổi, tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước, hướng tới cách thức quản lý, ra quyết định trên nền tảng công nghệ số.
Chuyển đổi số phải tác động được đến tất cả đối tượng đang tham gia vào hệ thống GDNN, đặc biệt là các cơ sở GDNN…, tạo nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế.
“Chỉ có cách này chúng ta mới đưa GDNN đến được với người dân” – ông Bình nhận định.
Bàn về chiến lược phát triển GDNN và chuyển đổi số trong GDNN của các nước ASEAN và thế giới, TS. Nguyễn Quang Việt – Viện trưởng Viện Khoa học GDNN (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, tất cả cuộc cải cách và đổi mới của hệ thống giáo dục trên thế giới trong vòng 50 năm trở lại đây đều không thể “vắng bóng” công nghệ thông tin.
Theo kinh nghiệm của Đức và châu Âu, năng lực số của giáo viên là nhân tố hạn chế chính của chuyển đổi số trong GDNN. Vì thế, họ xác định nhóm đối tượng mục tiêu của GDNN là người dạy và người học.
“Châu Âu có khung năng lực số cho công dân nói chung và cho các nhà giáo dục/ nhà sư phạm nói riêng” – ông nói.
Chính vì thế, TS. Việt đưa ra khuyến nghị: Đối tượng mục tiêu của chuyển đổi số trong GDNN ở Việt Nam là người dạy và người học.
Ngoài ra, cần có các giải pháp ICT và hợp tác với các doanh nghiệp; tăng cường giáo dục đạo đức và trách nhiệm công dân trong quá trình chuyển đổi số bởi vì mặt trái của công nghiệp 4.0 với hệ sinh thái IoT, IoS sẽ làm tăng nguy cơ xâm phạm đời tư, an ninh mạng, sản xuất vũ khí sinh học và vũ khí tự động.
Mục tiêu đến năm 2025: Hệ thống GDNN như một quốc gia số thu nhỏ
Ông Nguyễn Tuấn Linh (Viện Chiến lược Thông tin và truyền thông) trình bày dự thảo Khung đề án chuyển đổi số trong GDNN. |
Dự thảo Khung đề án chuyển đổi số trong GDNN đưa ra khái niệm: Chuyển đổi số trong GDNN là quá trình tích hợp và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo… vào các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tận dụng các công nghệ số thay đổi tích cực cách thức quản lý, làm việc của cá nhân, đơn vị trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng như cung cấp điều kiện giáo dục nghề nghiệp thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả trên nền tảng số.
Ông Nguyễn Tuấn Linh - Viện Chiến lược Thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã trình bày định hướng tầm nhìn đến năm 2025 và năm 2030 trong dự thảo này.
Trong đó, đến năm 2025, mục tiêu là toàn bộ hệ thống GDNN sẽ như một quốc gia số thu nhỏ. Hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở GDNN, giáo viên, học viên sẽ chuyển lên môi trường số. Đến năm 2030, hoạt động GDNN của Việt Nam sẽ đạt trình độ của các nước ASEAN – 4.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là: 90% hồ sơ công việc của Tổng cục được xử lý trên môi trường mạng; 100% người lao động được định danh; 80% dịch vụ công liên quan đến hoạt động GDNN là dịch vụ trực tuyến mức độ 4…
Để thực hiện được mục tiêu này, ban biên soạn dự thảo đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm, gồm có: chuyển đổi về nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển dữ liệu số, phát triển nền tảng số và các dịch vụ nền tảng, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số, phát triển nguồn nhân lực.
Học online chưa phải chuyển đổi số
GS.TSKH Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu cao cấp về toán) - người có thâm niên 25 năm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu chia sẻ tại hội thảo. |
Tham gia hội thảo có sự góp mặt của GS.TSKH Hồ Tú Bảo tới từ Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, chuyên gia nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu với thâm niên 25 năm làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản. Ông cũng là chuyên gia đã đồng hành cùng Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện công tác chuyển đổi số trong một số lĩnh vực thời gian qua.
Nhận định về tầm quan trọng của chuyển đổi số, GS. Hồ Tú Bảo chia sẻ: Tại sao phải chuyển đổi số? Nói nôm na là, không chuyển đổi số thì giống như có lửa mà vẫn khăng khăng ăn thịt sống, hay có điện rồi mà vẫn thắp đèn dầu.
Giải thích thế nào là chuyển đổi số, ông lấy ví dụ về xu hướng học online trong thời gian dịch bệnh Covid-19. “Xu hướng học tập này rất đáng quý nhưng học online chỉ là một giải pháp, vẫn là đem nội dung cũ ra dạy trên online. Đó là một giải pháp tình thế, chứ chưa phải là thay đổi của giáo dục trên môi trường số”.
“Cái thay đổi đầu tiên phải là kiến thức. Vì con người mà chúng ta đang tạo ra, dù là ở bậc học nào, thì 5-10 năm nữa sẽ phải làm việc trên môi trường số. Vì thế, kỹ năng và đòi hỏi ở con người đấy sẽ phải khác. Kiến thức mới là thứ chuẩn bị hành trang cho con người làm việc trong tương lai”.
Cần đến 100 tỷ/ trường để trang bị cho chuyển đổi số?
Trao đổi tại hội thảo, TS. Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đề xuất hệ thống GDNN nên có một hạ tầng thông tin thống nhất, cơ sở dữ liệu thống nhất.
“Đội ngũ giáo viên cũng cần có thời gian để thích ứng, cần có văn bản, tuyên truyền yêu cầu các trường không ngồi yên, mà phải chạy cùng hệ thống, để có sự chuyển đổi trong hệ thống từ nhận thức đến hành động”.
TS. Khánh cũng đặt ra các vấn đề: Tổng cục cần phải có hệ thống hành lang pháp lý đi trước. Bây giờ quy định 25 em/ lớp, sau khi chuyển đổi số, dạy online thì 1.000 em/ lớp có được không? Việc đánh giá bài dạy, công nhận văn bằng, chứng chỉ bằng các công cụ có được chấp nhận hay không? Tiêu chuẩn thế nào là một giáo viên số? Đơn vị nào là người xây dựng, đánh giá, tổ chức đào tạo và công nhận?
Vị hiệu trưởng này cũng chia sẻ quan điểm cá nhân: Nếu đầu tư cả phần cứng, phần mềm, cần ít nhất 100 tỷ để xây dựng toàn bộ hệ thống số cho 1 trường. Vậy số tiền ấy sẽ ở đâu ra? Nhà nước và nhân dân cùng làm hay Tổng cục hỗ trợ?
Theo ông, Tổng cục GDNN ngoài việc chuẩn bị hệ thống văn bản đi trước, chủ trương chính sách, thay đổi tư duy, cũng cần phải chuẩn bị cả ngân sách cho nhiệm vụ chuyển đổi số.
Trao đổi về vấn đề ngân sách, GS. TSKH Hồ Tú Bảo chia sẻ, trong tất cả cuộc bàn thảo về chuyển đổi số ở nhiều đơn vị mà ông đã tham gia, luôn có một câu hỏi được đặt ra là: Chuyển đổi số có tốn tiền lắm không?
“Về cơ bản, chuyển đổi số là sự thay đổi, hoàn toàn có thể dựa trên điều kiện của mình. Có một nguyên tắc quan trọng là đầu tư đến đâu thì khai thác đến đó, đặc biệt là phần hạ tầng. Bởi vì, hạ tầng thay đổi rất nhanh. Cho nên, chúng tôi đều thống nhất rằng các đơn vị nên làm từng bước, không nên có kế hoạch đầu tư vật chất lớn ngay từ đầu. Chúng ta cần cân nhắc và xem xét việc có thể dùng chung một số nguồn lực”.
Ông cũng đồng tình với ý kiến của TS. Khánh cho rằng, chuyển đổi số trong GDNN cần phải bắt đầu ngay từ Tổng cục, sau đó mới đến các trường.
2020: Năm của chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia
Không chỉ còn là chiến lược, chuyển đổi số đã lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống xã hội Việt Nam.
Nguyễn Thảo