Kết quả bước đầu trong công tác chuyển đổi số của ngành nông nghiệp đã chứng minh rằng, sản xuất nông nghiệp sáng tạo dựa trên thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần định hình chuỗi giá trị và sản xuất cung ứng các sản phẩm nông nghiệp với hàng loạt các ưu thế về tối ưu tài nguyên, tối ưu chi phí và mở rộng sản xuất.
Bởi vậy, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa, truy xuất nguồn gốc… vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.
Đến nay đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử. Qua đó, giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, bảo chất lượng, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản nước ta.
Trước thách thức hiện hữu, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp số, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần nâng cao nhận thức số, tư duy số và hành động số; phát triển hạ tầng thương mại điện tử gắn với logistics nông nghiệp; đào tạo kỹ năng số của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân từ sản xuất đến bán hàng. Cùng với đó, triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhất là nâng cấp chất lượng dịch vụ công; phát triển dữ liệu số nông nghiệp, nông dân số, xã hội số gắn với phát triển dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06).
Tại Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp”, ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Tỉnh Yên Bái xác định, đối với nhiệm vụ thúc đẩy số hoá trong lĩnh vực nông nghiệp là xu thế tất yếu, song cũng là một việc mới và khó, nhất là các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn”.
Chính vì vậy, để đẩy mạnh số hóa ngành nông nghiệp hiệu quả hơn nữa, tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ NN&PTNT xây dựng và ban hành Kiến trúc dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp đồng thời có các giải pháp để thu thập, quản lý, và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả, đồng bộ từ việc theo dõi thời tiết, quản lý sản xuất nông nghiệp, đến thị trường và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất sớm được giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số đầu tư tại Thừa Thiên Huế.
Đồng thời, để quá trình số hóa, xây dựng dữ liệu ngành nông nghiệp được thực hiện nhanh, đồng bộ trong thời gian tới, ông Bình đề xuất liên thông, kế thừa dữ liệu giữa các Hệ thống thông tin của các Bộ ngành Trung ương và địa phương cũng như sớm có các chính sách đột phá về cơ chế đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số.