Phó Vụ trường Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) Đỗ Thị Thu Hằng cho hay, không có quy định nào thu BHYT 15 tháng. Bộ Tài chính đang phối hợp với ngành y tế rà soát xem xét có nên sửa đổi Thông tư liên tịch số 41.

Thu 15 tháng là không hợp lý

Việc trích hoa hồng cho nhà trường (4%) liệu có cao quá không và các địa phương thu "trọn gói" 15 tháng có đúng quy định không, thưa bà?

- Việc trích hoa hồng cho nhà trường dựa trên quy định tại Quyết định số 4 (năm 2011) của Thủ tướng về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thông tư số 134 (năm 2011) của Bộ Tài chính. Theo đó, mức chi tối đa không quá 5% tổng số thu tiền đóng của HSSV (không bao gồm số thu tiền do ngân sách hỗ trợ mức đóng).

  {keywords}
Phó Vụ trường Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) Đỗ Thị Thu Hằng

Liên quan đến thời gian thu, Thông tư liên tịch số 41 (năm 2014) của Bộ Tài chính và Bộ Y tế có quy định cơ sở giáo dục thu tiền đón phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc 1 năm một lần nộp vào quỹ BHYT. Không có quy định thu BHYT từ 12 tháng lên 15 tháng.

Thông tư liên tịch này qiu định rõ: Thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT là từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 cùng năm. Đối với HSSV vào lớp 1 và SV năm nhất, thời hạn từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của thẻ được cấp lần trước đến 31/12 năm sau.

Đối với HS lớp 12 và SV năm cuối, thời hạn ghi trên thẻ từ 1/1 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó.

Khi thực hiện thu BHYT của HSSV các địa phương căn cứ vào phương thức thu theo quy định. Nếu thực hiện thu từ 12 -15 tháng là không phù hợp.

Như vậy sẽ phải sửa đổi Thông tư liên tịch số 41 (năm 2014) cho phù hợp với quy định?

- Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT nói chung và Thông tư liên tịch số 41 nói riêng để bảo hiểm phù hợp với thực tế và tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHY là cần thiết.

Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung này cần phải dựa trên cơ sở đánh giá cụ thể của việc thực hiện BHYT tại các địa phương. Hiện Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế khảo sát việc thực hiện BHYT tại một số tỉnh nhưu Đắc Lắc, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương và kết quả khảo sát thực tế của đoàn công tác, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế sẽ xem xét cụ thể những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

Ngân sách hỗ trợ đóng BHYT cho nhiều đối tượng

Quy định thu BHYT tính trên lương cơ sở, nhưng nhiều phụ huynh của HSSV không có lương thì tính như thế nào?

- Việc thu BHYT của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở đã được Quốc hội quy định trong Luật BHYT năm 2014 và Chính phủ quy định tại Nghị định số 105 (năm 2014). Khi xây dựng mức đóng BHYT cho HSSV, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội quy định về mức hỗ trợ đóng BHYT với đối tượng này bảo đảm phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng.

Cụ thể, trường hợp HSSV thuộc diện chính sách xã hội (thân nhân của người có công với cách mạng; thân nhân của lực lượng quân đội, công an, cơ yếu; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo) được ngân sách đảm bảo 100% mức đóng BHYT.

HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, được ngân sách hỗ trợ 100% mức đóng BHYT (thời gian hỗ trợ 5 năm sau khi thoát nghèo). Trường hợp HSSV thuộc hộ cận nghèo đã thoát nghèo trước 1/1/2015, nhưng thời gian thoát nghèo tính đến thời gian này chưa đủ 5 năm thời gian còn lại được hỗ trợ thấp nhất 1 năm.

Trường hợp HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo quy định được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.

Hộ gia đình cận nghèo còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT. HSSV thuộc các đối tượng còn lại, được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT.

Cảm ơn bà!

(Theo Tuấn Đức/ Tiền phong)