Tại Hội nghị “Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 8/12, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất trong thời gian trước đây là do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước do các quy định về phòng dịch, hạn chế lưu thông và tiêu dùng hàng hóa.

{keywords}
Đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị gián đoạn là ưu tiên trong lúc dịch bệnh căng thẳng. Ảnh: Lương Bằng

Sau khi Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP, các doanh nghiệp đã dần mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng và các hoạt động lưu thông, do đó sản xuất dần được phục hồi và ổn định trở lại.

Tác động tích cực nêu trên thể hiện ở việc hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 và tháng 11/2021 đã có những dấu hiệu phục hồi so với tháng trước cũng như tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày, điện tử được các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020 khi các doanh nghiệp dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.

Một số ngành công nghiệp như ô tô, cơ khí, thép… được dự báo sẽ khởi sắc trở lại nhờ các chính sách tích cực của Nhà nước tỏng thời gian tới (như giảm lệ phí trước bạ, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông…).

Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Vinatex chia sẻ: Sang năm 2021, cả phía cầu và phía cung dệt may toàn cầu đều có sự phục hồi cùng với đà phục hồi của các nền kinh tế lớn sau khi tiêm phủ vắc xin diện rộng. Dự kiến tổng cầu dệt may thế giới năm 2021 phục hồi về bằng 95% mức của năm 2019 trước khi xảy ra dịch Covid-19 và hoàn toàn phục hồi về ngang mức trước dịch vào năm 2022. Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh đều có sự phục hồi nhanh về xuất khẩu dệt may, xuất khẩu dệt may của Ấn Độ 7 tháng đầu năm 2021 thậm chí đã vượt qua mức của cùng kỳ năm 2019.

Đối với dệt may Việt Nam, mặc dù khu vực may phía Nam bị ảnh hưởng phải đóng cửa vì dịch bệnh trong quý 3 tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu 10 tháng 2021 đạt 32,4 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2020 và cũng gần tương đương cùng kỳ của năm 2019. Nếu 2 tháng cuối năm, mỗi tháng tối thiểu xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, Dự kiến cả năm 2021 xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020.

Sau 9 tháng năm 2021, Tập đoàn này đã vượt 35% kế hoạch năm và phục hồi về mức trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2019, lợi nhuận năm 2021 dự kiến cao gấp trên 2 lần năm 2020 và có thể cao hơn nếu vừa qua khu vực may phía Nam của tập đoàn này không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bù lại năm nay lĩnh vực sản xuất nguyên liệu đóng góp 60% hiệu quả của Vinatex.

Sau những tháng ngày dịch bệnh hoành hành ở Bắc Giang, ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: Tháng 11 vừa qua, tỉnh Bắc Giang tiếp tục phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh với mục tiêu mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đến thời điểm này, cam bưởi của tỉnh đang được tiêu thụ thuận lợi, với giá bán bình quân tương đương, thậm chí cao hơn năm 2020 (15-25 nghìn đồng/kg), cùng với đó các sản phẩm nông sản khác như thịt lợn, thịt gà... cũng đang được tiêu thụ ổn định, 100% tiêu thụ trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá: Khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì thị trường trong nước nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế khỏi những biến động từ bên ngoài. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng đầu năm tuy giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước, do các dịch vụ du lịch, hàng không trên toàn cầu bị đình trệ, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11 đã tăng 6,2% so với tháng trước.

"Chúng ta đã thành công khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường, ngay cả ở Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và 16+", ông Hải nói.

Lương Bằng

Phục hồi kinh tế, công nghiệp hóa - hiện đại hóa trước thách thức mới

Phục hồi kinh tế, công nghiệp hóa - hiện đại hóa trước thách thức mới

Quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid 19 và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn.