Các trang trại, công ty tuyệt đối không được xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc - đó là chỉ đạo của Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại buổi làm việc với doanh nghiệp, người chăn nuôi ở Hưng Yên ngày 16/10.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, vừa qua giá thịt lợn tăng khá nhanh nguyên nhân cơ bản được xác định là do tác động của dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, sau 8 tháng dịch bệnh hoành hành, sản lượng thịt lợn đã giảm 8,2%. Trong khi, thịt lợn vẫn chiếm tới 65-70% trong cơ cấu rổ thực phẩm của người Việt. Cung giảm ảnh hưởng lớn đến thị trường.
Thêm nữa, mặc dù sản lượng thịt lợn chỉ giảm 8,2%, trong thực tế không hiếm thịt lợn, song một số cơ sở chăn nuôi cố tình găm giữ lợn lại để chờ giá cao. Số khác cũng giữ lại nuôi lợn đạt trọng lượng lớn hơn mới chịu bán.
“Những ngày gần đây xuất hiện tình trạng chuyển lợn sang thị trường bên cạnh. Tất cả những nguyên nhân đó đã đẩy giá lợn tăng mạnh”, ông Cường nhận định.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu không xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc |
Song, ông cũng cho rằng người tiêu dùng nên bình tĩnh, sức sản xuất nông sản của chúng ta, sức sản xuất thực phẩm,... sẽ đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu thị trường, kể cả những ngày cuối năm là thời kỳ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng mạnh.
Các doanh nghiệp phải bảo vệ thị trường cùng với người tiêu dùng, không được tăng giá vô lối, không găm hàng làm giá.
Các trang trại, doanh nghiệp tuyệt đối không được xuất khẩu lợn sang Trung Quốc. Bởi, Bộ trưởng lý giải, Việt Nam và nước bạn chưa ký kết chính thức xuất khẩu chính ngạch, đồng thời chúng ta cũng phải có trách nhiệm bảo vệ kiểm dịch động vật ở biên giới.
Đẩy tái đàn mạnh
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đang trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Đến nay, có thể khẳng định dịch tả châu Phi là vấn nạn toàn thế giới. Xung quanh Việt Nam đàn lợn của 9 nước đã bị dịch bệnh này tấn công. Tại Trung Quốc, thông tin mới nhất là sau 1 năm dịch bệnh đã tái phát ở một số khu vực.
Ông đánh giá đây là dịch bệnh nguy hiểm nhất trong ngành chăn nuôi Việt Nam. Nếu không có giải pháp tích cực thì bệnh dịch này sẽ phá tan một ngành hàng.
"Phải xác định sống chung, đừng mong bao giờ diệt trừ, an toàn tuyệt đối. Vậy có xác định sống chung được với nó không, phải khẳng định là có. Bằng chứng, vừa qua có nhiều doanh nghiệp, trang trại lớn, trang trại vừa đã làm tốt được biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đàn lợn vẫn được an toàn" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Ông Cường cho biết, ngay từ đầu năm Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó có thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia cầm, đại gia súc và thủy sản để bù đắp thiếu thịt. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2019, gia cầm tăng trưởng 13,5%, trâu tăng trưởng 3,1%, bò tăng trưởng 4,2%. Riêng thủy sản 9 tháng đầu năm tăng trưởng 6,12%. Chỉ có thịt lợn là thiếu hụt.
Trong khi, tình hình bệnh dịch trên đàn lợn đã giảm. Toàn bộ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà ở tất cả các cơ sở chăn nuôi lớn đến nay vẫn an toàn, ổn định. Những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học kể cả công ty, hộ trang trại lớn, vừa phải đến nay vẫn duy trì an toàn.
Ngoài ra, tín hiệu thị trường rất tốt, cộng với những thành tố tích cực trên, ngành nông nghiệp sẽ khuyến khích những hộ chăn nuôi trang trại lớn và vừa, doanh nghiệp đảm bảo an toàn sinh học thì đợt này đẩy mạnh tăng đàn. Những hộ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn thì kiên quyết không tái đàn, tránh dịch lại xảy ra gây thiệt hại.
Làm việc với một doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở Hưng Yên, Bộ trưởng Cường yêu cầu tất cả đàn lợn giống hạt nhân và giống gốc đều áp dụng triệt để quy trình để nhân đàn nhanh nhất, đủ cung cấp con giống cho thị trường.
“Nhân tối đa hệ số từ cụ kỵ ra ông bà, ông bà ra bố mẹ rồi ra lợn thành phẩm. Trước kia con giống đẻ ra dưới 8 lạng/con loại bỏ, giờ nuôi tất. Tuy nhiên, khi cung cấp cho người dân phải cung cấp những con giống chất lượng, còn con dưới tiêu chuẩn một chút thì doanh nghiệp giữ lại nuôi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với lợn thương phẩm, những cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh tái đàn hết công suất chuồng nuôi, nuôi càng nhiều càng tốt để cung cứng đủ nhu cầu của thị trường.
Về dài hạn, theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, doanh nghiệp cần bắt tay với nhà khoa học để nghiên cứu vắc xin phòng bệnh dịch này.
Bảo Phương