Hình ảnh sụt lún ở Lâm Đồng khiến người dân lo ngại, ngày 8/8.
Nội dung trên được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra khi làm việc với tỉnh Lâm Đồng về các vấn đề liên quan sạt lở, ngày 8/8.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin, tình hình thời tiết ở địa phương diễn biến phức tạp, mưa nhiều, thống kê 13 trận mưa lớn. Trong tháng 6 và 7 của năm nay, địa bàn xảy ra lốc xoáy, sạt trượt và 7 vụ sạt lở đất, chủ yếu diễn ra ở TP Đà Lạt và Bảo Lộc. Ngoài ra, tỉnh ghi nhận có 163 điểm nguy cơ sạt lở đất, đang đánh giá để lập bản đồ cảnh báo.
Theo ông Phúc, tỉnh nỗ lực ứng phó với sạt lở để hạn chế những thiệt hại về người và tài sản. Thời gian tới, địa phương muốn tổ chức hội thảo để lắng nghe góp ý, tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học để có thêm nhiều giải pháp chống sạt trượt, sạt lở. Vì thế, lãnh đạo UBND Lâm Đồng kiến nghị đoàn công tác của Bộ NN&PTNT sau khi khảo sát điểm sạt trượt khu vực dự án hồ chứa nước ở huyện Lâm Hà, thì hỗ trợ chuyên gia cùng kinh phí để địa phương phòng, chống sạt lở, thiên tai.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao sự chủ động trong ứng phó, khắc phục hậu quả cũng như điều tra, nguyên cứu giải quyết các tình huống thiên tai của tỉnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhìn nhận, Lâm Đồng có Đà Lạt là thành phố cao nguyên, điểm đến thu hút du khách. Tuy nhiên, mỗi khi mưa lớn thì xảy ra ngập lụt, sạt lở đất là không bình thường. “Không nên để du khách có cảm giác bất an với Đà Lạt”, Thứ trưởng Hiệp nói, thêm rằng sẽ làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và sắp tới phải làm riêng với Đà Lạt để thành phố thoát khỏi tình trạng như hiện nay.
Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh, Đà Lạt có 2 cổng thoát lũ, nhưng chỉ hoạt động được một cổng và việc xử lý lại hệ thống thủy lợi phải làm nghiêm túc. Đặc biệt với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, cần phải xử lý các vấn đề dự phòng tốt hợp, không nên để du khách có cảm giác không an tâm khi tới thành phố.
Ông Hiệp thông tin, hiện Đà Lạt đang trong giai đoạn quy hoạch lại thành phố. Địa phương cũng cần có hội thảo thêm với các chuyên gia trong lĩnh vực địa chất, xây dựng để được tham vấn nhiều vấn đề nhằm lồng ghép vào trong quy hoạch. Từ đó xử lý, dự phòng những tình huống cực đoan của biến đổi khí hậu.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua tình hình thời tiết địa phương diễn biến phức tạp, song lượng khách đến khá đông. Trong tháng 7, tỉnh đón khoảng 870 nghìn lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng (tăng 16% cùng kỳ), đây là tín hiệu tốt cho ngành du lịch.
Thống kê trong 7 tháng, tỉnh đạt trên 5,3 triệu lượt khách (tăng 20% so với cùng kỳ), trong số đó khách nội địa đạt 5,118 triệu lượt, khách quốc tế khoảng 262 nghìn lượt.