- "Hiện nay, dù mang tiếng học trường công nhưng học sinh tiểu học phải đóng rất nhiều khoản tiền, không như trước đây" - ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) chia sẻ.
Ngày xưa học sinh không mất khoản phí nào
Ông Điệp nhớ lại: "Tại TP.HCM, đúng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1978, Thương xá Tax đổi tên thành Cửa hàng phục vụ thiếu nhi thành phố với đội ngũ mậu dịch viên quàng khăn đỏ, Dinh Phó Tổng thống chế độ cũ chuyển làm Nhà văn hoá thiếu nhi... Điều đó chứng tỏ thành phố rất quan tâm tới giáo dục tiểu học.
Ông Lê Ngọc Điệp, NguyênTrưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) (Ảnh:Lê Huyền) |
Ở miền Nam, thời chúng tôi đi học, học sinh không phải đóng phí nào ngoài khoản tiền rất nhỏ (gọi là niên liễm) để được phát phù hiệu. Trường học cũng không có bất kỳ công ty tư nhân nào vào quảng cáo hay giới thiệu sách vở".
Ông Điệp cho biết có dịp tham quan học tập nhiều nước, ông thấy tại các trường công lập tất cả học sinh đều bình đẳng và không phải đóng góp bất kỳ chi phí nào.
"Khi kinh tế phát triển, người dân chăm lo giáo dục con em mình nhiều hơn. Những gia đình khá giả mong muốn con em được học trong ngôi trường tiểu học tốt nhất, có bán trú, có phương tiện vật chất đầy đủ. Đây là mong muốn chính đáng của các bậc làm cha mẹ.
Thế nhưng, từ đây xuất hiện tình trạng chạy trường, chạy lớp. Trong từng ngôi trường xuất hiện sự không công bằng giữa học sinh giàu, nghèo hàng ngày học tập. Tình trạng sổ vàng, lạm thu gây bức xúc trong xã hội và nhiều nỗi đắng cay cho giáo viên... Những việc này năm nào cũng lặp đi lặp lại, học sinh tiểu học phải đóng quá nhiều loại tiền, gây bất công trong chính ngôi trường công lập..." - ông Điệp nhận xét.
Trường công chỉ thu tiền phù hiệu, học bạ, tư nhân đảm nhiệm buổi học thứ hai
Ông Điệp cho rằng hiện nay, giữa kinh tế và giáo dục có mối quan hệ hữu cơ với nhau. "Chính phủ kêu gọi tư nhân thành lập doanh nghiệp, giáo dục cũng nên kêu gọi toàn dân góp sức chung tay cùng nhà nước chăm lo cho học sinh, đặc biệt là cấp tiểu học".
Nhằm tạo sự công bằng trong giáo dục tiểu học, ông Điệp đề xuất một số ý.
"Tất cả các trường tiểu học ở TP.HCM đều dạy một buổi theo chương trình chính khoá và không thu bất kỳ khoản tiền nào ngoại trừ các khoản nhỏ như phù hiệu, học bạ.
Học sinh tiểu học ở TP.HCM (Ảnh: Đinh Quang Tuấn) |
Buổi thứ hai không bắt buộc, học sinh và do phụ huynh lựa chọn trên cơ sở thuận tiện và phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình. Tư nhân sẽ đảm nhiệm buổi học thứ hai bằng hình thức trung tâm chăm sóc học sinh tiểu học.
Các trung tâm này hoạt động theo quy chế của UBND TP.HCM, có quy mô tổ chức đa dạng, nhiều mức độ khác nhau. Các trung tâm cũng là đơn vị tổ chức các chuyến tham quan, cắm trại, trải nghiệm để tổ chức các hoạt đông có khoa học và có kỹ năng mang tính giáo dục. Mức phí do phụ huynh đóng góp tuỳ theo quy mô và các lĩnh vực hoạt động giáo dục của trung tâm mà phụ huynh lựa chọn.
Giáo viên hoàn thành nghĩa vụ tại trường công lập có quyền ký hợp đồng làm cho trung tâm để tạo điều kiện tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Như vậy, những giáo viên dạy tốt, mẫu mực sẽ có nhiều trung tâm mời cộng tác theo mức lương thoả thuận. Điều này làm cho nghề giáo được coi trọng, giải toả áp lực cho hiệu trưởng khi dành thời gian thực hiện chức năng của người lãnh đạo trong nhà trường".
Nếu thực hiện giải pháp trên, theo ông Điệp mỗi quận huyện chỉ cần có một đến hai trường bán trú dành cho gia đình chính sách, gia đình cần sự giúp đỡ. "Tôi nghĩ, UBND thành phố nên thành lập một bộ phận chuyên môn để nghiên cứu và soạn thảo các cơ sở pháp lý, nội dung, hình thức, quy mô và những vấn đề liên quan cho việc chăm sóc, giáo dục học sinh tiểu học buổi thứ hai tại các trung tâm. Tổ chức hội thảo chuyên đề lấy ý kiến trong xã hội, các nhà khoa học giáo dục, cho chuyên gia soạn thảo quy chế đi nghiên cứu và học tập các nước tiên tiến.
Nếu điều này được thực hiện, tôi tin sẽ tạo sự chuyển biến toàn diện trong giáo dục, để phụ huynh yên lòng, người dân tập trung lo xây dựng thành phố, vì giáo dục chính là niềm tin cho mọi gia đình" - ông Điệp khẳng định.
Lê Huyền (ghi)