Ở mức độ nào đó, thói quen ‘học gì thì nấy’ có ở khắp nơi và đúng với khá nhiều học sinh. Tất nhiên những người cần đến ngoại ngữ vẫn học cho dù Bộ GD& ĐT bỏ ngoại ngữ.

LTS:  Ngày 9/1, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo mới nhất về đổi mới thi tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt. Theo đó, hạn chót nhận ý kiến cho phương án thi 2014 sẽ chốt vào ngày 20/1. 

Một trong hai phương án được đưa ra lấy ý kiến vẫn tiếp tục là "bỏ ngoại ngữ" khỏi danh sách chính thức. Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích. Tuần Việt Nam xin giới thiệu thêm một góc nhìn về chuyện dạy, học ngoại ngữ trong nhà trường.

Hàng năm, vào mỗi dịp cận kề kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, người lo lắng nhất là học sinh phổ thông và cha mẹ các em vì hầu như năm nào Bộ GD& ĐT cũng có màn làm học sinh hồi hộp theo cách làm của hội đồng xổ số: Năm nay thi gì?

“Năm nay thi gì?”

Khi công bố dự thảo phương án các môn thi tốt nghiệp THPT, để chứng minh cho việc bỏ môn ngoại ngữ ra khỏi cơ cấu 2+2, Bộ GD &ĐT cho rằng vì chất lượng dạy và học ngoại ngữ thấp nên cần bỏ. Nếu cho rằng việc dạy học và đánh giá trong môn ngoại ngữ này không phản ánh đúng thực trạng yếu kém, thì lẽ ra phải đưa ra biện pháp để cải thiện tình hình, chứ không phải bỏ không thi, để đợi đến bao giờ việc này trở nên tốt hơn?

{keywords}
Ảnh: Văn Chung

Ở mức độ nào đó, thói quen ‘học gì thì nấy’ có ở khắp nơi và đúng với khá nhiều học sinh. Tất nhiên những người cần đến ngoại ngữ vẫn học cho dù Bộ GD& ĐT bỏ ngoại ngữ. Tuy nhiên với đại đa số học sinh phổ thông, việc đó giống nhưng rút củi dưới nồi, tước đoạt một trong những động lực học tập.

Do vậy, bỏ thi ngoại ngữ về bản chất không khác gì “phá” đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, do Thủ tướng CP phê duyệt, lãng phí 9000 tỉ đồng, từ chân móng. Làm chủ một ngôn ngữ, ngay cả tiếng mẹ đẻ, mất cả một đời chưa chắc xong. Học ngoại ngữ, như ta biết, không thể “ăn sống nuốt tươi” trong chốc lát, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, quá trình thấm dần dần.

Và, để giỏi người ta cần chút năng khiếu. Do vậy, không khuyến khích học sinh học khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một tội đối với trẻ.

Không thi đồng nghĩa với không học.

Không nên tự hào vì... ít học

Biết thêm một ngôn ngữ là sống thêm một cuộc đời. Nhân loại đã khẳng định như vậy. Qua ngoại ngữ, người ta như được mở thêm con mắt, học thêm được phương pháp tư duy qua ngôn ngữ ấy. Như ông Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng chia sẻ đâu đó trong cuốn Những nghịch lý của thời gian về những điều ông học được qua Anh ngữ, khi người ta hỏi ông về những tư duy sáng của ông.

Tuy nhiên, cũng có người nói một cách hài hước với người viết rằng cuộc đời hiện tại chưa đủ chán hay sao mà còn muốn sống thêm cuộc đời như thế này làm gì nữa?

Trong khi đó, có ý kiến có vẻ hãnh diện nói rằng mấy chục năm có cần ngoại ngữ đâu mà tôi vẫn sống và làm việc.Thứ nhất, không nên lấy mình làm mẫu, làm gương- cái gương hủ bại. Và, cũng chính vì cái tư duy như vậy mới sinh ra các “nhà” khoa học “sợ phòng thí nghiệm và ghét học ngoại ngữ”.

Nếu học ngoại ngữ chỉ dừng lại ở mức đủ để hỏi đường hay giá cả, nói lịch sự là phục vụ “sinh tồn” còn nói nôm na là học để xin ăn, thì chỉ cần mấy phút là “học được một ngoại ngữ” rồi, cần gì đến cả chục năm!

Cũng có thể việc học ngoại ngữ ở trong nước chưa đến dầu đến đũa, chỉ dừng lại ở mấy câu hỏi đường, hỏi giá cả, … Trong khi đó hàng nghìn đoàn đi công tác nước ngoài, hàng năm chỉ thêm tốn tiền dân và làm nước chủ nhà sợ phải tiếp đón [1].

Chuyện bi hài về việc học ngoại ngữ đã có nhiều. Người viết không thể quên câu chuyện của những “giảng viên” Việt Nam kể lại như một thành tích khi làm “chuyên gia” dạy Triết học Mác- Lênin bằng tiếng Bồ Đào Nha, một nội dung đòi hỏi vốn kiến thức và đặc biệt vốn ngoại ngữ rất thành thạo, cho một số chuyên gia người Angola trong khi vốn tiếng Bồ Đào Nha của họ chỉ đủ “sinh tồn”.

Họ kể, bài giảng được dịch và ghi âm trước từ trong nước, học viên có thắc mắc thì ghi vào giấy, về nhờ người trong đoàn dịch hôm sau trả lời, … Phương pháp làm việc là vậy, và chỉ sau vài lần là không còn ai hỏi nữa.

Thương cho các đồng chí Angola

Nếu ai đó mấy chục năm làm việc không cần đến ngoại ngữ thì phải coi đó là một thiệt thòi.

Một trong những lý do đưa ra để "từ chối" môn ngoại ngữ là do cách thức thi nay đã lạc hậu (2).

Nhưng, trong đánh giá giáo dục, không có một phương pháp hoặc công cụ nào là duy nhất tốt hoặc tốt nhất cho mọi mục đích cả [3]. Vả lại, nếu hình thức thi “lạc hậu” thì cải tiến nó, sao lại quyết định bỏ thi?

Còn nhớ, ngành giáo dục đã có một cải tiến là đặt bài toán cho các thầy, cô dạy ngoại ngữ xây dựng bài thi theo lối trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn (TNKQ) để hạn chế những vấn nạn trong thi cử như học tủ, gian lận cả từ phía cơ quan quản lý, giám khảo và thí sinh, v.v… do sự can thiệp chủ quan của con người. Đề thi tuyển sinh ĐH đã phần nào làm được điều đó.

Xin mượn tâm sự của một cán bộ dự hội nghị ở nước ngoài để kết thúc bài viết về môn ngoại ngữ: “Ngoài bản báo cáo được chuẩn bị từ trước và nhờ dịch từ trong nước in vào kỷ yếu, còn lại bọn tôi thật như vịt nghe sấm khi hội nghị thảo luận. Khi trao đổi bên hành lang, mấy đại biểu Việt Nam lủi thủi ở một góc như đàn gà con lạc mẹ.”

Nguyễn Phương

---------------

1- http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2014-01-02-can-bo-di-nuoc-ngoai-chi-thich-san-hang-giam-gia-

2- http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/156329/20--hoc-sinh-se-duoc-mien-thi-tot-nghiep.html

3- http://community.tuanvietnam.net/2013-04-25-thi-cu-noi-kho-khong-cua-rieng-ai?print=1