Đồng lòng xây dựng nếp sống đô thị văn hóa, văn minh
Giai đoạn 2016-2020, Bình Dương đã thực hiện 04 Chương trình đột phá của Tỉnh ủy, trong đó có đến 03 chương trình tạo đà phát triển đô thị, góp phần xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại và gắn với thực hiện Đề án xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương. Cùng với sự vươn mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, diện mạo đô thị Bình Dương đổi thay từng ngày, góp phần xây dựng Bình Dương trở thành nơi đáng sống, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Việc tuyên truyền các nội dung xây dựng nếp sống văn minh đô thị được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Trong đó, tập trung tuyên truyền các hoạt động xây dựng văn minh đô thị, giáo dục về luật giao thông cho học sinh; giữ gìn vệ sinh môi trường cho cộng đồng dân cư; văn minh thương mại cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh; bảo vệ cây xanh, không lấn chiếm hành lang, vỉa hè, bỏ rác đúng giờ và đúng nơi quy định đối với các hộ dân…
Những năm qua, Bình Dương không ngừng tập trung phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. |
Cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của tỉnh, một số địa phương đã xây dựng và ban hành đề án, kế hoạch để triển khai xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị nhằm phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức người dân trong việc chấp hành và tích cực tham gia thực hiện nếp sống văn hóa - văn minh đô thị. Điển hình như Đề án "Tổ chức Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị giai đoạn 2016-2020" của TP.Thủ Dầu Một; Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 04/8/2017 của UBND huyện Dầu Tiếng về việc thực hiện đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Kế hoạch số 682/KH-UBND ngày 12/4/2017 của UBND TP.Thuận An về thực hiện nếp sống văn minh.
Thông tin trên cổng thông tin của Bình Dương cho hay, triển khai xây dựng nếp sống văn minh đô thị, UBND TP.Thuận An đã tập trung vào 03 mô hình thí điểm là mô hình khu phố không rác, tuyến đường văn minh đô thị, chợ văn minh thương mại, đồng thời phân công các Phó Chủ tịch UBND phụ trách từng lĩnh vực, cụ thể hóa theo từng kế hoạch và bộ tiêu chí đánh giá, công nhận. Qua đó đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực trong đời sống văn hóa xã hội, phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố. Ý thức của cán bộ, công chức đối với người dân trong xây dựng quan hệ giao tiếp ứng xử văn minh nơi công sở được nâng lên.
Tại TP.Thuận An, mô hình "Chính quyền thân thiện của nhân dân, vì nhân dân và công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ" được triển khai hiệu quả. Ứng xử của cán bộ với người dân khi đến giao dịch được thực hiện theo nguyên tắc "Biết cám ơn và biết xin lỗi". Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị, UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố đã xây dựng các bảng phương châm hành động 5 biết (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn) và 3 thể hiện (tôn trọng, văn minh, gần gũi). TP.Thuận An cũng đã triển khai thực hiện mô hình "Tuyến phố văn minh đô thị" tại ba tuyến đường Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Văn Tiết, Nguyễn Trãi, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị thành phố.
Cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị" giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã tạo được sự đồng thuận, có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia.
Qua quá trình thực hiện Cuộc vận động, TP.Thủ Dầu Một đã xây dựng được những đặc trưng riêng về văn hóa - văn minh đô thị như thành phố 03 không (không có người ăn xin; không có điểm tập kết rác tự phát; không có quảng cáo, rao vặt trái phép); khu phố 03 có (có thảm nhựa hoặc bê tông các tuyến hẻm; có đèn chiếu sáng công cộng; có thùng rác công cộng). Nếp sống văn hóa lịch sự, hiếu khách, nghĩa tình của người dân đất Thủ cũng đã được hình thành, thể hiện rõ nét qua mỗi dịp Lễ hội Rằm tháng Giêng hàng năm với các hoạt động thiện nguyện, miễn phí do nhân dân tự tổ chức thực hiện trong trật tự, nề nếp, tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách và được dư luận, báo chí truyền thông đánh giá cao. Nếp sống văn hóa đó còn được thể hiện thường xuyên trong sinh hoạt cộng đồng, trong công tác đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các hộ nghèo, các hoàn cảnh khó khăn, neo đơn...
Dành "đất vàng" xây công viên
Việc Bình Dương trở thành tỉnh đầu tiên trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 03 thành phố đã tạo sức hút mạnh mẽ nguồn lực toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển đô thị ngày càng văn minh, hiện đại và đáng sống.
Song hành với xây dựng nếp sống văn minh, trong quá trình phát triển đô thị, Bình Dương luôn chú trọng công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị và cung ứng những tiện ích tốt nhất để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Một điểm nhấn quan trọng, được nhân dân đồng tình ủng hộ là việc phát triển mảng xanh đô thị, tăng không gian phục vụ cộng đồng đã được Bình Dương tập trung thực hiện quyết liệt. Có thể kể đến việc điều chỉnh công năng các khu đất trước đây là trụ sở cơ quan nhà nước trở thành các công viên, hoa viên có nhiều cây xanh và sân tập thể dục, tạo thêm "lá phổi xanh" cho đô thị được người dân đánh giá cao. 96 công viên, hoa viên kết hợp các khu tập thể dục được xây dựng, cải tạo hoàn thiện đưa vào sử dụng trong thời gian qua là nỗ lực lớn của các cấp, các ngành trong tỉnh.
TP.Thủ Dầu Một cũng đang có kế hoạch xây dựng công viên, vườn hoa theo quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt với số vốn dự kiến khoảng 429,81 tỷ đồng. Trong đó, Dự án Công viên giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Ngô Quyền, thuộc phường Phú Cường để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. Quỹ đất xây dựng công viên nằm ngay vị trí trung tâm của thành phố, hiện đã giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án. Công viên nằm trên quỹ "đất vàng" có diện tích 5.171m2, tiếp giáp mặt tiền của 3 tuyến đường chính của TP.Thủ Dầu Một là Cách Mạng Tháng Tám - Ngô Quyền - Quang Trung. Khu đất này trước đây là trụ sở của một số cơ quan Nhà nước. Thay vì bán đấu giá hoặc cho thuê, TP.Thủ Dầu Một đã dành quỹ đất này làm công viên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần cải thiện môi trường khu vực, tạo cảnh quan kiến trúc đô thị.
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, những nỗ lực của tỉnh trong công tác chỉnh trang đô thị, nổi bật là việc xây dựng các mảng xanh, các công viên, hoa viên thời gian qua đã phần nào đáp ứng được nhu cầu và nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân. Song song đó, nhiều công trình, dự án nâng cấp, cải tạo thoát nước, vỉa hè và chiếu sáng công cộng, công trình trồng cây xanh... đã được Bình Dương triển khai thực hiện. Ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, góp phần làm cho đường thông hè thoáng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Với việc duy trì định hướng đúng đắn và kiên định trên con đường phát triển kinh tế và phát triển đô thị, trong thời gian tiếp theo, Bình Dương sẽ càng đạt được tầm cao mới.
Bạch Dương