Tạo buổi Toạ đàm “Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không và bài học kinh nghiệm" do Bộ GTVT tổ chức chiều 4/11, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ kH-ĐT (Bộ GTVT) cho biết, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không giai đoạn 2021-2030, chỉ tính cho 28 cảng hàng không được quy hoạch là khoảng 403.106 tỷ đồng. Do vậy cần phải huy động thêm 128.000 tỷ, đó là chưa tính đến các địa phương đang muốn đề xuất quy hoạch cảng hàng không, sân bay chuyên dùng. 

Sân bay Vân Đồn là điển hình về việc kêu gọi thành công theo hình thức PPP. Ảnh:  CTV.

Theo ông Dũng, qua việc xây dựng sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) cho thấy tiềm lực của Việt Nam qua việc kêu gọi đầu tư hạ tầng hàng không theo mô hình đầu tư đối tác công tư (PPP) hoặc nhượng quyền. 

Nhà nước giao cho tư nhân đầu tư khai thác toàn bộ cảng hàng không và nhà nước nắm giữ quyền quản lý khu bay, giao cho tư nhân quyền khai thác nhà ga, sân đỗ... là phù hợp.

Tuy nhiên, với các sân bay mới, phương án tài chính khi đầu tư theo phương thức PPP thường khó hấp dẫn nhà đầu tư do thời gian hoàn vốn kéo dài từ 40-50 năm. Do vậy, các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu cần sự hỗ trợ của địa phương.

Điển hình, việc xây dựng sân bay Sa Pa với mức đầu tư 4.000 tỷ thì tỉnh Lào Cai bỏ ra 1.700 tỷ, còn lại là của nhà đầu tư. Khoản 4.000 tỷ không khó để đầu tư nhưng phải sau 45 năm mới thu hồi vốn.

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, địa phương đã bổ sung những ưu đãi khi khai thác hoạt động đầu tư sân bay, “cởi trói” nhà đầu tư về thể chế, giúp nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh thông qua cơ chế mở.

Đại diện Bộ KH-ĐT cho rằng, có thể bổ sung vào bộ tiêu chí được phép hình thành cảng hàng không nếu như cảng đó có nhà đầu tư, thu hút đầu tư tuyệt đối bằng phương thức PPP. Đây cũng được xem là cơ hội cho các địa phương có nguyện vọng thúc đẩy phát triển KT-XH trong bối cảnh quy hoạch mới.

Không phải địa phương khác có cái gì, mình có cái đó

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nếu có sân bay sẽ rút ngắn khoảng cách, không gian, thời gian, tạo thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đầu tư sân bay cần phải cân nhắc hết sức thận trọng. Không phải cứ có nhà đầu tư là làm sân bay mà cần phải cân nhắc đến các yếu tố bao gồm vấn đề kỹ thuật, sự lan tỏa của địa phương khi có sân bay.

Ông Đặng Văn Minh

Ông Minh chia sẻ, dù sân bay Chu Lai của tỉnh Quảng Nam nhưng hầu như dân Quảng Ngãi đi lại nhiều nhất (chiếm trên 80%). Do đó, nếu nói riêng Quảng Ngãi thì không cần sân bay nữa.

Song, địa phương có huyện đảo Lý Sơn là đảo tiền tiêu của cả nước. Đây là hòn đảo có vị trí, vai trò, tầm quan trọng lớn trong việc đảm bảo quốc phòng an ninh. Do vậy, Quảng Ngãi đã đặt vấn đề nghiên cứu, đề xuất đưa vào quy hoạch và đầu tư xây dựng sân bay Lý Sơn. 

Nếu được xây dựng sân bay Lý Sơn, sân bay này sẽ phục vụ cho sự phát triển KT-XH của Quảng Ngãi, đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia. Nếu không đầu tư từ ngân sách mà đầu tư từ PPP thì Trung ương rất ủng hộ.

Do vậy, tỉnh rất mong sân bay Lý Sơn sẽ được đưa vào quy hoạch quốc gia giai đoạn 2021-2030.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, địa phương cũng như một số tỉnh, không phải thấy mọi người có sân bay thì đề xuất quy hoạch có sân bay. 

Vấn đề là phải có tư duy quốc gia chứ không phải tư duy cục bộ địa phương, không phải địa phương khác có cái gì mình phải có cái đó. Do vậy, quy hoạch quốc gia nên nghiên cứu theo góc độ quy hoạch mở. 

Nếu địa phương có tiềm năng, lợi thế, nhu cầu, đáp ứng tiêu chí đặt ra thì phân cấp cho địa phương và họ chịu trách nhiệm khi phải tính toán đầu tư đường trước hay sân bay trước.