Cùng với sự phát triển của thể thao điện tử (eSport), streamer từ những người bị nhìn nhận là chơi game "lông bông", không có tương lai dần trở thành các cá nhân được ngưỡng mộ bởi mức thu nhập "khủng" và sự nổi tiếng mà họ sở hữu. Có thể kể đến một số cái tên phổ biến trong cộng đồng streamer Việt như ViruSs, PewPew, MisThy hay Linh Ngọc Đà,…
Vậy streamer là gì?
Hiểu một cách đơn giản, streamer là những người phát sóng trực tiếp (streaming) khi chơi trò chơi điện tử. Công việc này giống như bình luận viên bóng đá nhưng khác ở chỗ họ bình luận cho game và trò chơi điện tử. Việc phát trực tiếp có thể được thực hiện qua các nền tảng như YouTube, Facebook hay Twitch.
Xemesis được cho là streamer giàu nhất Việt Nam.
Dù chưa có số liệu thống kê rõ ràng nhưng nhiều nguồn thông tin đều khẳng định, streaming game là nghề nghiệp với nhiều thử thách, nhưng mang lại nguồn thu nhập xứng đáng cho các streamer.
Trong một buổi livestream của mình, Độ Mixi, streamer khá nổi tiếng trong cộng đồng game PUBG đã hé lộ về mức thu nhập khủng của các đồng nghiệp.
Anh cho biết, nhân vật giàu có nhất của làng streamer Việt hiện nay không ai khác chính là Xemesis. Theo đó, Xemesis, tên thật là Hiếu Nghiêm, sở hữu trong tay hàng loạt đồng hồ trị giá bạc tỷ, những bộ cánh đắt tiền và siêu xe bóng loáng.
Bộ sưu tập đồng hồ có giá trị lên đến hàng tỷ đồng của Xemesis.
Theo Mixi, một nhân vật đình đám khác là PewPew cũng thuộc top những streamer có thu nhập cao nhất tại Việt Nam với con số trung bình 400 – 500 triệu đồng/tháng. Còn VirusS, từ nguồn thu từ livestream game, đã sở hữu khá nhiều bất động sản đáng giá tại khu vực TP HCM.
Về phía streamer nữ, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Ngân Sát Thủ, tên thật là Huỳnh Kim Ngân, cho biết thu nhập từ công việc streamer của cô vào khoảng 100 triệu/tháng. Chính bản thân Ngân cũng thừa nhận đi làm streaming game vì tiền hơn là vì đam mê như khi đi hát, đi nhảy trước đây.
Nhìn chung, với các streamer thuộc hàng top, mức thu nhập có thể khác nhau nhưng đều đến từ những nguồn dưới đây:
Thu nhập từ YouTube
Trở thành một hiện tượng, kênh Trực Tiếp Game của Dũng CT tăng sub chóng mặt và đạt gần 1 triệu người theo dõi chỉ trong vòng 1 năm.
Dễ thấy rằng những streamer nổi tiếng đều sở hữu một kênh YouTube riêng. Với mỗi video/ luồng stream được đăng tải, họ có thể kiếm tiền từ lượng view, lượt xem và click vào quảng cáo nhúng trong các video. Dù thời gian gần đây nhiều người phàn nàn YouTube làm gắt gao hơn, trả ít tiền hơn song với Pewpew, ViruSs hay Trực Tiếp Game... số tiền hàng tháng nhận được từ YouTube ước đạt trong khoảng từ 30 - 60 triệu đồng.
"Donate" từ fan
Sau Youtube, nguồn thu nhập không nhỏ của streamer đến từ chính những người hâm mộ trung thành. Khi được lòng fan, việc nhận các khoản donate (quyên góp) là không giới hạn. Người ít thì 10.000, 20.000... song nhiều có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Trong năm 2018, Độ Mixi và team Refund Gaming đã từng nhận được hơn 63 triệu donate từ một đại gia. Số tiền "lẻ" này gấp rất nhiều lần tháng lương của một nhân viên đi làm bình thường.
Hợp đồng quảng cáo
Streamer là người của cộng đồng, được đông đảo người hâm mộ theo dõi những video và kênh livestream do họ tải lên. Vì vậy không lấy làm lạ khi nhiều nhãn hàng lớn sẽ lựa chọn Streamer hay các mạng xã hội của họ để quảng cáo sản phẩm. Việc liên kết với các nhãn hiệu khác, đứng tên đại diện quảng cáo giúp các Hot Streamer có được nguồn thu nhập không kém cạnh gì những người nổi tiếng trong Showbiz.
Hoặc chỉ đơn giản giới thiệu một game mới ra mắt, nhà phát hành sẽ phải trả cho những streamer top đầu khoảng 15 - 30 triệu để livestream hoặc review trong khoảng thời gian vỏn vẹn 1 tiếng. Và dĩ nhiên càng nổi tiếng, càng nhiều lượt view thì mức cát-xê này càng tăng.
Stream trên các mạng xã hội mới
Ngoài Facebook và YouTube, giờ đây những Streamer có thể hợp tác với những nền tảng stream mới bùng nổ ở thời điểm hiện tại để "nhận lương" từ đó. Nếu để ý, có thể thấy Trực Tiếp Game, Thầy Ba - Baroibeo (LMHT)... cũng dần chuyển dịch thêm sang các nền tảng video mới và được các ứng dụng này trả lương hàng tháng. Dù chi tiết không được tiết lộ nhưng con số này ước tính lên tới hàng nghìn USD.
Bán hàng
Có một cộng đồng fan trung thành, các streamer cũng có thể kinh doanh các sản phẩm ngay trên sóng livestream. Dũng CT có những dự án kinh doanh như thuê acc pubg hay shop phụ kiện game rất nổi tiếng. ViruSs và Độ Mixi hợp tác với shop bán game... Rất nhiều cách để họ có thể kiếm ra tiền.
TTG Shop của Dũng CT ngày khai trương.
Dù thu nhập cực khủng nhưng những người làm nghề streaming game cũng phải đối diện với nhiều vấn đề như lịch làm việc căng thẳng, phải ngồi hàng giờ trước máy tính. Thậm chí, để đạt được lượng view cao, nhiều người còn phải stream bất chấp thời gian, khiến cơ thể mệt mỏi, stress và mất cân bằng trong cuộc sống.
Ngoài ra, streamer cũng có thể đối diện với nguy cơ bị "ăn chặn" tiền từ các nền tảng livestream, thu nhập bấp bênh, hay khả năng đào thải cao, dễ bị thay thế bởi các gương mặt mới,…
Theo Trí Thức Trẻ