- ĐBQH cho rằng nếu không chặn được tham nhũng thì việc nâng trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu cũng là "vay tiền để nuôi tham nhũng".
Thảo luận tại phiên họp QH sáng nay (7/11) về phòng, chống tham nhũng, Phó đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Hiến lo ngại tình hình kinh tế suy thoái, khó khăn hiện nay có một phần từ việc tham nhũng tràn lan, dự án thì phải "chạy chọt, bôi trơn", chính tham nhũng gây nên nợ xấu, tồn kho mà doanh nghiệp là nạn nhân.
Ông chỉ ra hiện tượng đầu tư dàn trải, tràn lan khi cả nước có tới 19 sân bay, mấy chục cảng biển. Theo ông, lãng phí cũng là tham nhũng.
ĐB Nguyễn Văn Hiến: Dương Chí Dũng, Vinalines chỉ là phần nổi của tảng băng chìm |
"Có vung tiền thì mới có chuyện một chiếc cầu chỉ cần 70m lại làm lên tận 150m như đại biểu Trần Du Lịch đã nói. Dương Chí Dũng, Vinalines không phải là cá biệt mà chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thực chất vấn đề còn nghiêm trọng hơn rất nhiều" - ông nói.
Đề nghị "quyết liệt thực sự" trong cuộc chiến chống tham nhũng, ông cũng lưu ý, trước đây chú trọng các biện pháp phòng ngừa nay phải quyết liệt chống tham nhũng, chống cũng là để phòng ngừa. Ông cũng đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán bổ sung vào chương trình làm việc năm 2014 tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các dự án đầu tư công của các tập đoàn, tổng công ty, kể cả dự án đầu tư ở nước ngoài.
Theo ông, có thực trạng cơ quan thanh tra, kểim toán vừa qua có làm nhưng hầu như chỉ đề nghị xử lý hành chính mà sau đó điều tra, Viện kiểm sát mới phát hiện bỏ lọt tội phạm và điều tra, truy tố hình sự.
"Đề nghị sau công tác thanh kiểm tra phải gửi báo cáo đến cơ quan điều tra về những phát hiện thấy của cơ quan này và phải chịu trách nhiệm về việc không thông báo hành vi vi phạm xảy ra ở đơn vị thanh kiểm tra..."
ĐB tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, trong khi Chính phủ trình Quốc hội xin nâng trần bội chi, xin phát hành thêm trái phiếu để chi tiêu đảo nợ và nguy cơ lo ngại quốc gia vỡ nợ thì rất nhiều tiền của người dân đang bị chiếm đoạt.
"Một m2 nhà vệ sinh bị nâng giá lên nhiều lần, một thiết bị máy móc giá 100 triệu đồng bị nâng giá lên 130 tỷ. Những con đường đắt nhất thế giới mà không hề có sự giải thích thỏa đáng nào, một đống sắt vụn cũng được nâng giá gấp 4 lần và bây giờ được định giá 125 tỷ, những con tàu, những tòa nhà trị giá hàng nghìn tỷ khác thì không biết đã được nâng giá bao nhiêu lần" - ông nêu ví dụ.
Đặt câu hỏi đến bao giờ học sinh vùng cao, nông thôn không phải học trong trường không ra trường, nhiều cô giáo vùng cao miền tây Thanh Hóa không phải mời khách bằng những con nòng nọc, làm sao để không còn những nữ sinh vì quá nghèo phải tìm đến cái chết vì không đủ 1 triệu đồng nộp tiền phạt vi phạm giao thông như ở Tây Nguyên, để không còn những người mẹ phải quyên sinh để gia đình có sổ hộ nghèo như ở miền tây Nam Bộ thì phải chống tham nhũng hiệu quả.
"Phòng chống tham nhũng hiệu quả sẽ chặn được những vụ việc đó, chúng ta sẽ có nhiều nhà vệ sinh, trường học, con tàu, tuyến đường hơn, không phải nâng trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu. Nếu không chặn được tham nhũng thì việc nâng trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu cũng là vay tiền để nuôi tham nhũng" - ông nói.
Tội phạm môi trường đáng báo động
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga thì nhấn mạnh, vi phạm pháp luật về môi trường đã ở mức báo động. Các vụ xả thải Vedan, Nicotex Thanh Hóa, một số công trình thủy điện vừa và nhỏ vỡ đập làm biến đổi dòng chảy, phá rừng miền Trung Tây Nguyên... chỉ là vài minh chứng về thực trạng rất đáng lo ngại này.
Theo bà Nga, để xảy ra tình trạng này là do luật Bảo vệ môi trường không được chấp hành nghiêm, trước hết là ở người thi hành công vụ. Các quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường đã không được chấp hành nghiêm ngay từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt, kiểm tra thực hiện.
ĐB Lê Thị Nga: Có những báo cáo được copy, cắt dán cho nhiều dự án khác nhau |
"Đó là cái barie đầu tiên quan trọng để bảo vệ môi trường, nhưng thực trạng có những báo cáo chất lượng kém hoặc không đáp ứng được các yêu cầu của luật, thậm chí được copy, cắt dán cho nhiều dự án khác nhau chỉ thay đổi địa danh, có khi còn lộ ra vì không thay hết" - bà phát biểu.
Bà Nga cho hay đã có nhiều tranh cãi việc báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện sông Sông Tranh 2 nói về động đất nhưng lại có dấu hiệu "copy" từ một số thủy điện khác và từ một tác giả không hề dính dáng gì đến dự án này. Nhưng những báo cáo chất lượng kém đó vẫn được phê duyệt và thực hiện.
Sau khi được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư đã không thực hiện đúng cam kết trong báo cáo về đảm bảo an toàn hồ đập, xử lý sự cố môi trường, trồng rừng thay thế... Việc chỉ trồng bù được 3,7% số rừng bị mất cũng đồng nghĩa với việc thủy điện đã phá 96,3% rừng lẽ ra phải giữ lại.
"Đáng lưu ý là Nhà nước chưa hề quy trách nhiệm của người lập, người thẩm định, phê duyệt, người kiểm tra giám sát... Có thể nói việc buông lỏng quản lý và không quy trách nhiệm cũng là nguyên nhân làm vô hiệu hóa quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường trong luật" - ĐB Thái Nguyên chất vấn.
Bà cho biết, việc xử lý hành chính nương nhẹ, không nghiêm và nhiều vụ vi phạm liên tục kéo dài nhưng liên tiếp xử phạt hành chính bằng tiền mà không áp dụng chế tài nặng hơn như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Đơn cử vụ Nicotex từ năm 2008 đến nay có 10 đoàn đến làm việc, kết quả phạt tiền nhẹ, nhắc nhở, chấn chỉnh. Khi vụ việc bị đẩy lên đến đỉnh điểm, gần đây nhất mới phạt hơn 400 triệu đồng.
Theo bà, mặc dù đã có pháp luật hình sự đủ để xử lý nhưng cho đến nay vẫn chưa truy cứu một trường hợp gây ô nhiễm nào. Luật pháp hiện hành quy định việc xử phạt trách nhiệm pháp nhân không loại trừ và thay thế cho trách nhiệm cá nhân.
Ngoài ra, bà cũng chỉ ra sự thiếu trách nhiệm, dung túng, bao che. Các vụ lớn bị phát hiện vừa qua không thể nói là không dính dáng đến các chức danh quản lý kể cả trung ương và địa phương, cán bộ môi trường, cán bộ thanh tra, kiểm tra đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu vì vụ lợi, bảo kê dưới các mức độ là làm ngơ, bao che, tiếp tay cho vi phạm.
"Có thể nói việc dung túng bao che trên là nguyên nhân dẫn đến những vụ hàng trăm người dân tụ tập bao vây các cơ sở ô nhiễm, tự thu thập chứng cứ, bảo vệ hiện trường và có những hành động vượt quy định cho phép.
Đề nghị Chính phủ thay đổi cách đánh giá khi có sự cố xảy ra, thay vì quy lỗi cho thể chế, pháp luật thì phải tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật hiện hành, quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cả về hành chính và hình sự, không chỉ với người trực tiếp vi phạm mà cả những tổ chức cá nhân có trách nhiệm quản lý nhà nước" - bà kiến nghị
Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng