Thống kê tại Việt Nam cho thấy nếu như năm 2010 doanh thu ngành quảng cáo chỉ là 26 triệu USD (trong đó doanh thu của Google, Facebook rất là nhỏ) thì đến năm 2018 doanh thu ngành quảng cáo đã là 550 triệu và phần lớn rơi vào túi Google, Facebook. Dự kiến trong những năm tới doanh thu quảng cáo sẽ tăng lên và những “đại gia” mạng xã hội sẽ tiếp tục được hưởng lợi.

Người dùng ngày nay đa phần truy cập mạng xã hội để xem và chia sẻ thông tin. Dự báo đến năm 2021 sẽ có 3 tỷ người dùng mạng xã hội trên toàn cầu. Riêng ở Việt Nam hiện nay có 57,43% dân số sử dụng Facebook và 12,81% sử dụng YouTube.

Theo một nghiên cứu của viện PEW RESEARCH, 80% người Việt Nam cho rằng mạng xã hội đóng vai trò tích cực đối với xã hội, chỉ có 6% cho rằng đó là một mối nguy hại.  

{keywords}
Chưa bao giờ báo chí lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và mạng xã hội đã khiến cho tin tức đến với người xem nhanh hơn.

Có thể thấy báo chí chính thống hiện nay bắt buộc phải “sống chung với lũ” – cơn lũ mạng xã hội. Vậy làm thế nào để báo chí có thể “quyến rũ” được người xem nhằm kéo họ khỏi “vòng tay” của mạng xã hội? Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tập đoàn Truyền thông Lê, có 3 yếu tố then chốt, đó là:

Thứ nhất, báo chí phải trở thành kênh thông tin được người dùng chọn lựa. Để làm được điều này, thông tin đăng tải trên báo chí chính thống phải có chất lượng cao, có tính chân thực, xác tín, phản ánh đa chiều.

Thứ hai, phải tạo được cơ chế tác quyền cho thông tin sản xuất ra. Các thông tin do các đơn vị báo chí và truyền thông sản xuất phải được phân phối đến người xem theo những quy định về bản quyền.

Thứ ba, phải tạo được doanh thu cho báo chí chính thống từ người xem, để từ đó báo chí chính thống có thể tái đầu tư cho sản xuất các tin bài chất lượng.

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Danh dự của Hội Truyền thông Số Việt Nam cho rằng không nên coi sự xuất hiện của mạng xã hội là một thách thức với báo chí chính thống. Trái lại, phải coi đây là một cơ hội. Nếu coi là một thách thức thì luôn phải đối phó. Báo chí cần phải hòa nhập, cạnh tranh nhưng vẫn phải giữ thế chủ đạo.

Cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng cho rằng báo chí cần phải định hướng xã hội thông qua các bài bình luận. Cần có những bài phản bác thuyết phục hơn, lập luận có tình có lý. Định hướng tốt thì dư luận sẽ tốt. Quan trọng nhất là báo chí phải trung thực và hướng thiện. Đưa tin bài gì cũng trung thực và sau đó hướng người xem làm việc thiện.

Khi báo chí đã tạo dựng được uy tín thì sẽ lôi kéo được người đọc và sẽ tăng doanh thu. Trong nghiên cứu của Tập đoàn truyền thông Lê đã đề cập ở phần trên, 81% phần trăm số người được hỏi nói rằng họ sẽ chọn đọc những tờ báo có số lượng độc giả lớn.

Ông Lê Doãn Hợp cho rằng, báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng, do đó Đảng và Nhà nước phải có sự kích cầu và bao cấp cho hoạt động báo chí. Khi còn đương nhiệm, ông Lê Doãn Hợp đã từng đề cập với một số lãnh đạo chính phủ việc bao cấp báo chí và một số ngành nghệ thuật thông qua việc thành lập một Quỹ xuất bản. Nhà nước phải coi các nhà báo là các công chức truyền thông. Nhiều nhà báo và người làm nghệ thuật có tác phẩm hay nhưng do hạn chế về tài chính mà đã không được phổ biến rộng rãi, trong khi những thông tin xấu độc thì lại tràn lan.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nói rằng bên cạnh việc quản lý của nhà nước, những người viết báo cần tuân thủ đạo đức báo chí. Hội nhà báo trước đây đã ban hành 5 quy định về đạo đức nghề nghiệp, gần đây đã mở rộng thành 4 điều nên làm, 8 điều không nên làm. Các quy tắc này đã góp phần ngăn chặn và răn đe những việc làm không đúng của các nhà báo.  

“Báo chí không thắng được mạng xã hội về tốc độ đưa tin, nhưng vượt trội về tính trách nhiệm, chuẩn mực của nhà báo và tính chính xác của tin tức”, ông Hồ Quang Lợi kết luận.

Hồng Thúy