Ninh Bình là một trong hai địa phương triển khai thực hiện thí điểm dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam" được tài trợ bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), do Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện.

Kết quả đánh giá cho thấy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được chú trọng; các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được ứng dụng linh hoạt ở một số khu, điểm du lịch.

W-racthai.png
Quang cảnh hội thảo Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch tổ chức tại Ninh Bình

Tại Khu du lịch Thung Nham (huyện Hoa Lư) đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa hoạt động kinh doanh với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, giảm thiểu rác thải.

Khu du lịch đã đầu tư công nghệ sản xuất nước uống tinh khiết với công suất đạt khoảng 500 m3/ngày đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách, giảm thiểu việc sử dụng nước uống đóng chai nhựa. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa; tích cực thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm gỗ, sành, sứ thân thiện với môi trường…

Còn tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, hiện cũng đang chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Các hoạt động bảo vệ môi trường đã nhận được phản hồi và ấn tượng tốt từ phía người sử dụng các dịch vụ.

Tuy nhiên, việc ứng dụng, thực hiện dự án này tại Khu du lịch còn một số khó khăn, hạn chế như: Chi phí đầu tư ban đầu cao, chưa có sự đồng bộ giữa việc thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong và ngoài các khu du lịch, du khách đến từ nhiều nơi nên còn mang theo rác thải nhựa trong lịch trình di chuyển, một số điểm tập kết rác thải dân sinh ảnh hưởng đến mỹ quan khu du lịch…

Nhóm PV