- Việc 3 cây gỗ sưa cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong VQG Phong Nha – Kẻ Bàng ở Quảng Bình bị lâm tặc đốn hạ, rồi vận chuyển, tẩu tán ra khỏi rừng, dư luận cho rằng đã có sự tiếp tay của cơ quan chức năng?
 
“Quá vô lý”
 
Những ngày này, dư luận người dân sống quanh VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đang vô cùng bức xúc trước sự việc 3 cây sưa (huê) cổ thụ ở rừng di sản bị lâm tặc đốn hạ, nhất là sau khi có thông tin khoảng 1/3 số gỗ sưa đó đã được tẩu tán ra khỏi rừng đưa về TP. Đồng Hới.
Ông Lê Văn Nghĩa một người dân ở thôn 3 Thanh Sen, xã Phúc trạch cho rằng quá vô lý khi 3 cây gỗ sưa cổ thụ bị đốn hạ, tẩu tán gỗ ra khỏi rừng mà kiểm lâm không kiểm soát được. 
 
Nhiều câu hỏi được người dân đặt ra về trách nhiệm của ngành kiểm lâm, của Ban quản lý Vườn quốc gia, và các lực lượng chức năng liên quan, liệu có sự tiếp tay của kiểm lâm cho lâm tặc?
 

Ngày 11/5, tin từ Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, đêm 10/5, đơn vị này đã bắt giữ thêm 4 phách gỗ sưa được cho là sản phẩm từ 3 cây sưa cổ thụ bị đốn tại khu rừng Hung Trí thuộc vùng lõi của VQG.

Số lượng gỗ ước nặng trên 300 kg, trong 4 phách gỗ có một phách dài hơn 2m, nặng trên 95 kg.

Khi lực lượng kiểm lâm tiến hành vây bắt thì các đối tượng vận chuyển đã thả gỗ bỏ chạy.

Ông Lê Văn Nghĩa, trú tại thôn 3 Thanh Sen xã Phúc Trạch, một cựu chiến binh bức xúc: “Kiểm lâm làm việc kiểu gì mà để cho 3 cây gỗ quý cổ thụ bị đốn hạ một thời gian dài không hay biết, chỉ khi có tin đồn, báo chí thông tin mãi mới vào cuộc xác minh. Khi vô rừng lại không tìm được gỗ, rồi không kiểm soát được việc đầu nậu tẩu tán gỗ khỏi rừng”.
 
Cũng theo ông Nghĩa, đường vào Hung Trí (nơi phát hiện gốc của 3 cây sưa bị đốn hạ) toàn là lèn đá dựng đứng. Muốn ra, vào rừng đều phải men theo lèn, chứ không thể leo lên đỉnh lèn nên không khó để kiểm soát việc lâm tặc tẩu tán gỗ thoát ra khỏi rừng.
 
Theo ông Nghĩa, người dân xã Thanh Sen, kể cả đứa trẻ con cũng biết câu chuyện cách đây hơn 1 tuần có 2 xe ô tô bốc 120 phách gỗ từ rừng Phong Nha – Kẻ Bàng theo đường 20 xuôi về TP. Đồng Hới.
 
Ráp thông tin này với thông tin từ một người quen của một đại gia chuyên buôn gỗ sưa ở Đồng Hới tiết lộ khoảng 1/3 lượng gỗ của 3 cây sưa cổ thụ bị đốn hạ đã được tẩu tán đưa về TP. Đồng Hới an toàn là hợp lý?
 
Ông Nguyễn Thế Vinh, ở thôn 1 Thanh Sen cũng bức xúc: Khi người dân chúng tôi đi vào rừng chặt que củi bằng nắm tay cũng bị bắt phạt, thế mà 3 cây sưa cổ thụ bị đốn hạ rồi tẩu tán hàng trăm phách ra khỏi rừng mà kiểm lâm không biết thì quá vô lý.
 
Xã Phúc Trạch, nơi có nhóm người đốn hạ 3 cây sưa cổ thụ ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
 

Anh Nguyễn Thế Cường, con trai ông Vinh, người mới đây cầm 200 triệu vô Hung Trí để mua chút cành, nhánh của 3 cây sưa bị đốn hạ nhưng không mua được cho biết: Tôi là người dân địa phương ở đây, đã chơi thân với mấy anh kiểm lâm ở đây, thế mà mỗi khi ra, vào rừng đều bị họ kiểm tra gắt gao. Cho nên việc 3 cây gỗ sưa bị chặt, đưa ra khỏi rừng một số lượng lớn mà kiểm lâm không bắt được là “có vấn đề”.
 
“Tiếp tay” cho lâm tặc?
 
Trước sự việc 3 cây sưa bị đốn hạ, tẩu tán gỗ với số lượng lớn ra khỏi rừng, dư luận vô cùng bức xúc, họ cho rằng đã có sự thông đồng, tiếp tay cho lâm tặc.

Một trong số 4 tấm gỗ mà lực lượng kiểm lâm bắt được vào đêm 10/5 tại Vực Trô, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch.
 

Trước đó, ngay sau khi 3 cây sưa đã bị đốn hạ, dư luận rộ lên thông tin, các đầu nậu đã “mua đường” của cán bộ một số cơ quan chức năng với số tiền 38 tỉ đồng để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.
 
Trả lời báo chí về việc có sự tiếp tay của kiểm lâm cho lâm tặc đốn hạ, vận chuyển 3 cây gỗ sưa ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, ông Phạm Hồng Thái nói “không loại trừ khả năng này. Đó là vấn đề quan trọng mà cơ quan chức năng đang điều tra, xác minh.

Tăng cường lực lượng, chốt chặn, kiểm tra gắt gao mà gỗ vẫn về xuôi là “có vấn đề”. Ảnh chụp ngày 08/5 tại trạm Kiểm lâm liên ngành Khe Sến. 
 

Ông Thái cũng cho biết, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm vụ cho Chi cục Kiểm lâm tiến hành điều tra để khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ đốn hạ 3 cây sưa ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể khởi tố vụ án vì chưa đủ cơ sở, cần phải tiếp tục điều tra, giám định hiện trường, xác định mức độ thiệt hại.
 
Bất kể lực lượng kiểm lâm hay cán bộ quản lý rừng nếu sai phạm đều bị xử lý nghiêm minh, không bao giờ có chuyện bao che” - ông Thái khẳng định.

Khoảng 20h, ngày 07/5, tại làng Mới, thôn Bầu Sen (còn gọi Thanh Sen) xã Phúc Trạch, Đội kiểm lâm cơ động và PCCC số 1, phối hợp với trạm kiểm lâm liên ngành Khe Sến mật phục bắt được 5 hộp gỗ sưa với trọng lượng 366kg.
 
Ngay sau đó, sáng ngày 08/5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã trực tiếp đến trạm kiểm lâm liên ngành Khe Sến tặng quà, thưởng nóng cho “chiến công” đó bắt được 5 hộp gỗ sưa đó.
 
Trong vụ bắt giữ gỗ sưa này, thông tin từ những người dân có người thân tham gia gùi thuê đó cho rằng khi gùi gỗ về đến đầu làng, phát hiện kiểm lâm mật phục, họ đã phải thả lại 7 tấm rồi chạy trốn. Còn lực lượng kiểm lâm thì báo cáo chỉ bắt được 5 hộp gỗ sưa.
 
Về vấn đề này, VietNamNet đã nhiều lần liên hệ với cơ quan kiểm lâm, ban quản lý vườn QG Phong Nha – Kẻ Bàng để có thêm thông tin, nhưng đều bị từ chối.
 
Những thông tin này khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn, liệu có sự khuất tất nào đằng sau cả vụ việc này?
 
Sưa cổ thụ bị đốn hạ không hề hay biết, rồi khi “vào cuộc quyết liệt” các lực lượng chức năng cũng chưa có kết quả gì khả quan, không ngăn chặn được đoàn người vào rừng lấy gỗ, tranh cướp, vụ việc chưa được khởi tố, chưa một đối tượng nào bị bắt giữ.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin.
  
 Nhóm P.V