10 năm sau các vụ đánh bom khủng bố ngày 11/9/2011 làm rung chuyển nước Mỹ làm gần 3000 người chết và 6000 người bị thương, cuộc sống của người dân Mỹ vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những ám ảnh này. Ở bình diện toàn cầu, cho dù đã có một số kết quả nhất định thì cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế có lẽ sẽ còn rất dài với nước Mỹ.
TIN LIÊN QUAN:

Hóa đơn hơn 3.000 tỷ USD

Nếu như năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ của Mỹ đánh giá nước Mỹ chỉ mất từ 50-60 tỷ USD để khắc phục những hậu quả của những vụ tấn công 11/9 thì ngày nay tổng chi phí mà nước Mỹ phải bỏ ra để khắc phục những hậu quả cho những người có liên quan và nhất là cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên phạm vi toàn cầu đã không ngừng tăng lên, nhất là khi Mỹ bị sa lầy tại Iraq và Afghanistan.

Các nhà kinh tế của Đại học Brown, New York đã nghiên cứu những chi phí liên quan đến cuộc chiến tranh chống khủng bố mà Mỹ tiến hành hậu 11/9 dựa trên các số liệu của Quốc hội phải con số này lên tới 3000 tỷ USD kể từ năm 2001. Vì ngoài con số 1980 tỷ USD mà Lầu Năm góc đã chi - tức là một nửa ngân sách dành cho Chiến tranh thế giới lần thứ hai, còn cần phải tính tới nhiều khoản chi phát sinh nữa như 401 tỷ USD cho an ninh nội địa, 185 tỷ USD lãi suất tiền vay. Cuộc chiến mà cựu Tổng thống Bush tiến hành không chỉ là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ mà còn là cuộc chiến được tài trợ bởi các khoảng vay hoặc 74 tỷ USD chi cho an ninh và viện trợ nhân đạo cho Afghanistan, Pakistan hay Iraq.

Ngoài ra cũng cần phải tính tới hóa đơn chi cho các chăm sóc y tế trong nhiều năm liền dành cho các cựu chiến binh Mỹ, cũng như chi phí xã hội cho các cựu chiến binh và gia đình họ khoảng 300-400 tỷ USD. Con số này sẽ chỉ dừng lại khi Mỹ rút hết binh lính của mình ra khỏi Afghanistan.

Joseph Stiglitz, người dành giải Nobel về kinh tế cho rằng: “những cuộc chiến tranh đã góp phần làm cho nền kinh tế vĩ mô của Mỹ phải đối đầu với những vấn đề như thâm hụt ngân sách và nợ công”.

Còn lâu mới kết thúc

Trong những ngày này, khi nước Mỹ đã tiêu diệt được Bin Laden, thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố Al Qaida, Tổng thống Mỹ B. Obama đã có những phát biểu lạc quan về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Ông cho rằng “Al Qaida đang thất bại”. Nhưng trên thực tế cuộc chiến tranh này còn lâu mới kết thúc. Có thể dễ dàng chỉ ra ba sai lầm của Mỹ khi tiến hành cuộc chiến tranh chống khủng bố đó là:

Một, cuộc chiến tranh tổng lực chống chủ nghĩa khủng bố của Mỹ đã trở nên phản tác dụng dưới nhiều góc độ. Về kinh tế, chi phí quá lớn. Về chiến lược, nếu như mục tiêu ban đầu chỉ là Al Qaida thì những gì diễn ra trên thực tế lại đi quá giới hạn của nó. Cuộc chiến dường như trở thành cuộc chiến “giữa các nền văn minh” hay cuộc chiến “chống lại đạo Hồi”. Sai lầm này càng khiến tâm lý chống Mỹ dường như tăng lên ở đa số các nước đạo Hồi.

Hai, đã tham gia vào cuộc chiến quá dài ở Afghanistan, không vạch ra được kế hoạch tái thiết đất nước này sau những thắng lợi ban đầu đối với chế độ Taliban và đặc biệt là chưa hiểu rõ vấn đề AFPAK (Afghanistan và Pakistan). Và kết cục là Mỹ đã phải chi rất nhiều tiền cho cuộc chiến này, số lính Mỹ chết ở chiến trường Afghanistan cũng tăng từng ngày, với con số 1176 ở thời điểm hiện nay.

Ba, đã “phát minh” ra cuộc chiến tranh vô ích ở Iraq. Ban đầu Mỹ lấy lý do Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt để tiến hành cuộc chiến ở Iraq nhưng trên thực tế không có bằng chứng nào chứng tỏ điều đó. Chính điều này đã càng làm mất hình ảnh của nước Mỹ đối với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực Trung Đông nói riêng. Và cuối cùng thì hậu quả là cũng đã có tới 4500 lính Mỹ chết trận tại đây.

Để rồi sau 10 năm tiến hành các cuộc chiến ở đây, nước Mỹ cũng đang phải tìm cách để rút lui khỏi hai chiến trường này. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố xem ra còn lâu mới kết thúc vì những lý do sau:

Một, nếu như Mỹ thành công trong việc tiêu diệt Bin Laden thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc chủ nghĩa khủng bố đã bị tiêu diệt. Sẽ có một Bin Laden mới xuất hiện, ở nơi này hay nơi khác, thậm chí ở nhiều nơi trong cùng lúc. Điều đó sẽ làm cho kẻ thù của nước Mỹ ngày càng bất định hơn.

Hai, nếu như trước đây chiến trường Afghanistan là nơi trú ngụ chính của quân khủng bố quốc tế thì nay, chiến thuật của các mạng lưới khủng bố đã khác trước. Chúng không còn tập trung ở một khu vực nhất định, mà nằm tản mát, rải rác ở nhiều nơi. Điều này sẽ làm cho Mỹ khó khăn hơn trong việc truy tìm và tiêu diệt các tổ chức khủng bố. Bằng chứng là từ 2001 đến nay, các mạng lưới khủng bố vẫn tiếp tục tiến hành các vụ tấn công lớn nhằm vào phương Tây như các vụ 11/3/2004 tại Madrid làm 191 người thiệt mạng, vụ 7/5/2005 tại London làm 56 người thiệt mạng…

Ba, các phần tử khủng bố ngày nay hoạt động độc lập hơn điều này khác xa so với những gì Mỹ hình dung ban đầu về kẻ thù của mình đó là các mạng lưới khủng bố. Trong khoảng từ 2006-2010, khoảng 70% các vụ tấn công bị phát hiện hoặc đã diễn ra trên lãnh thổ châu Âu đều là do các cá nhân hoặc một nhóm rất nhỏ tiến hành. 27% trong số đó là có sự tham gia phối hợp chỉ đạo của nước ngoài tức là một nhóm nhỏ ở địa phương có tiếp xúc với một đầu mối ở nước ngoài và chỉ 3% số vụ này là được dẫn dắt bởi các nhóm nước ngoài.

Bốn, vị thế của nước Mỹ ngày nay đã suy yếu tương đối, nhất là ở góc độ kinh tế. Dù vẫn là cường quốc kinh tế, quân sự trên thế giới nhưng những khó khăn nội tại của nền kinh tế Mỹ khiến Mỹ phải tập trung vào tình hình trong nước. Trên mặt trận đối ngoại, Mỹ đã có những dấu hiệu giảm cam kết nhất định (sẽ rút quân khỏi Iraq vào cuối 2011 và khỏi Afghanistan năm 2014) hay không còn đóng vai trò “đầu tầu” như cuộc chiến tại Libya vừa qua. Có lẽ Mỹ sẽ phải cân nhắc kỹ những triển khai quân sự trên phạm vi toàn cầu và không phải muốn làm gì cũng được.

Việt Thành (tổng hợp)