Ông Nguyễn Minh (huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn còn nhớ cuộc “giải cứu thịt lợn” hồi giữa năm 2017. Khi đó giá lợn hơi chỉ còn khoảng 17.000-18.000 đồng/kg, ông cùng hàng xóm hô nhau đụng lợn, nghĩa là góp tiền cùng mổ chung một con rồi chia đều phần thịt. Con lợn nặng 1 tạ, giá khi đó chưa đến 2 triệu đồng.

Gần 3 năm sau, giá thịt lợn hơi đã lên 90.000-95.000 đồng/kg, có lúc vượt 100.000 đồng, gấp 5 lần trước kia. Giá con lợn 1 tạ hiện tại là 9-10 triệu đồng. Số tiền mà ông Minh và hàng xóm từng bỏ ra để “giải cứu thịt lợn” 3 năm trước, giờ không đủ để mua một con lợn giống nặng 6-7 kg.

Chỉ trong vòng 3 năm, ngành chăn nuôi lợn gặp 2 cuộc “khủng hoảng” trái ngược hoàn toàn. Đó là dư thừa, giá rẻ và thiếu hụt, giá cao. Khi giá lợn rẻ, người nuôi lỗ lớn, người tiêu dùng được lợi. Còn hiện tại, người tiêu dùng dè dặt chọn thịt lợn cho bữa cơm.

Cuộc “giải cứu thịt lợn” chỉ kéo dài vài tháng, sau đó giá phục hồi nhanh. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng giá lợn đắt đỏ hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt.

Hàng triệu mâm cơm bị ảnh hưởng bởi giá thịt lợn leo thang

Trong một buổi chiều tháng 7/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức một cuộc họp khẩn để tìm giải pháp tiêu thụ thịt lợn dư thừa. Giá lợn hơi khi đó chỉ chưa đầy 20.000 đồng/kg, nhưng vẫn khó tiêu thụ do thịt lợn không phải là mặt hàng có thể đẩy nhanh tiêu thụ tức thì.

Nhiều giải pháp được đưa ra như tăng cường bảo quản, chế biến sâu, vận động người dân cùng đẩy mạnh ăn thịt lợn… Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất của cuộc họp là ngay sau khi kết thúc, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường xin đi cùng một lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đến tận nhà máy Samsung (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) để vận động tiêu thụ thịt lợn.

{keywords}
 

Nhà máy này có khoảng 20.000 công nhân, nếu tăng cường tiêu thụ thịt lợn thì đây là một số lượng rất lớn, góp phần cho cuộc giải cứu. Hành động không nề hà khi đó của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường để lại ấn tượng sâu. Nó cũng thể hiện cuộc khủng hoảng dư thừa thịt lợn nghiêm trọng thế nào, khiến người đứng đầu ngành nông nghiệp trải qua một thời gian khó khăn ra sao.

Năm 2020 là năm thứ 5 trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lại gặp “cơn đau đầu” về thịt lợn khác là khủng hoảng nguồn cung, khiến giá đắt đỏ. Giá thịt lợn hơi thường ở mức 80.000-90.000 đồng/kg, có lúc trên dưới 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo tính toán, người chăn nuôi chỉ cần bán ở mức 50.000 đồng/kg là có lãi.

Giá thịt lợn hơi tăng cao cũng khiến thịt lợn mảnh không hề rẻ. Các loại thịt ba chỉ, nạc vai, mông… thường đang bán mức 170.000-190.000 đồng/kg. Cá biệt, có những siêu thị bán các loại thịt này 220.000-250.000 đồng/kg.

Để thấy được giá thịt lợn đắt đỏ thế nào, người tiêu dùng thường so sánh với các loại thịt khác. Bắp bò, một trong những phần thịt ngon nhất của con bò, đang ở mức 200.000 đồng/kg, nghĩa là tương đương với thịt lợn. Trong khi đó, má đùi gà chỉ đang bán với giá khoảng 50.000-60.000 đồng/kg, bằng 1/3 đến 1/4 giá thịt lợn.

Theo thống kê, mỗi năm người Việt tiêu thụ 5,4 triệu tấn thịt, thì trong đó có 3,8 triệu tấn thịt lợn, chiếm 70%. Từ xưa, thịt lợn đã gắn liền với văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, phù hợp cho mọi lứa tuổi, mọi mùa trong năm. Hầu như tất cả bộ phận của con lợn đều được tận dụng chế biến món ăn như nội tạng, thịt, bì, xương, móng giò…

Bởi vậy, khi giá thịt lợn tăng đã ảnh hưởng đến túi tiền và bữa cơm của hàng triệu gia đình. Tính trung bình, một người Việt Nam tiêu thụ 40 kg thịt lợn/năm, tương đương 3,3 kg/tháng. Nếu giá thịt lợn mảnh bình quân là 180.000 đồng/kg, thì mỗi tháng, một người bỏ ra 600.000 đồng để mua thịt lợn. Trung bình một gia đình 4 người, số tiền bỏ ra là 2,4 triệu đồng. Đó là một phần thu nhập khá lớn đã dành cho thịt lợn.

Tương tự, các loại hình kinh doanh có sử dụng thịt lợn cũng bị ảnh hưởng và buộc phải tăng giá. Từ tiệc cưới, quán cơm, nhà hàng đến những thứ bình dân như bánh bao, bánh mỳ kẹp, bát bún sườn, bán chả… đều gặp áp lực chi phí và phải đẩy giá lên. Ví như một chiếc bánh giò, trước kia có giá 15.000 đồng thì nay thường được bán 20.000 do thịt lợn đắt đỏ.

{keywords}
 

Từ tháng 7/2019, giá thịt lợn bắt đầu tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). “CPI tăng mạnh nhất 8 tháng qua”, “CPI tăng vọt do thịt lợn”, “Thịt lợn đẩy chỉ số CPI tăng cao nhất 9 năm qua”… là những công bố của Tổng cục Thống kê trong liên tiếp những tháng cuối năm 2019 và cả đầu năm 2020.

Cụ thể, từ mức -0,09% của tháng 6/2019, đến tháng 7, chỉ số CPI tăng 0,18%; đến tháng 8 vọt lên 0,28%; tháng 9 là 0,32%; tháng 10 là 0,59%; tháng 11 là 0,96% và tháng 12 là 1,4%. Tháng 12/2019 là tháng có chỉ số CPI tăng cao nhất 9 năm. "Thủ phạm" của các mức tăng liên tiếp này là thịt lợn.

{keywords}
 

Ông Đào Viết Xuê được coi là người chăn nuôi lợn nổi tiếng nhất ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Nguyên nhân không chỉ bởi ông là người lâu năm trong nghề, liều mình vay nợ làm ăn, rồi lúc thành lúc bại với nghề này mà là ông Xuê đang sở hữu một “gia tài” nhiều người ao ước với gần 1.000 con lợn.

Ông có 70 lợn nái và 800 lợn thương phẩm. Lợn nái trung bình đẻ khoảng 2,5 lứa/năm, mỗi lứa khoảng 10 con. Trung bình, một năm 70 lợn nái cho khoảng 1.700 con lợn giống. Ngoài ra, 800 con lợn thương phẩm, bán giá hơi 100.000 đồng/kg, ước tính ông lãi 4,5-5 triệu đồng/con.

Như vậy, chỉ tính riêng lợn thương phẩm, ông Xuê đã cầm trong tay khoảng 3,6-4 tỷ đồng. Ông cho biết, giá lợn tăng cao đang khiến không chỉ ông mà nhiều nhà chăn nuôi lãi lớn. Thậm chí, ông Xuê còn cảm thấy "áy náy" với người tiêu dùng khi giá lợn quá cao.

Theo Bộ NNPTNT, dịch tả lợn châu Phi đã mang đến cuộc khủng hoảng cho ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam từ giữa năm 2019. Ước tính đã có khoảng 6 triệu con lợn nhiễm bệnh và phải tiêu hủy, tương đương 340.000 tấn. Số lợn này chiếm 1 phần 10 tổng số đàn lợn cả nước, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.

Dịch tả lợn châu Phi cũng khiến việc tái đàn gặp khó khăn do lo ngại dịch bệnh, chi phí đầu tư lớn. Theo thông kê, sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9% do thiệt hại bị bệnh và gián tiếp do chưa tái đàn).

Theo quy luật cung - cầu, khi nguồn cung thiếu hụt thì đẩy giá tăng cao. Tuy nhiên, theo tính toán, nguồn cung chỉ thiếu hụt khoảng 15%, còn giá lợn hơi đã tăng 80-100% so với với điểm trước khi xảy ra dịch bệnh khiến nhiều người hoài nghi về việc có chuyện găm hàng, thổi giá hay không.

Hiện tại 65% nguồn cung thịt lợn của Việt Nam đến từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại. 35% còn lại đến từ các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn. Giá thịt lợn tăng vọt, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi báo lãi lớn.

Trong báo cáo tài chính quý I, Dabaco ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục với doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 41%, lên gần 2.387 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tính ra, Dabaco lãi 348,7 tỷ đồng quý I, gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 4 và 5, nhờ giá thịt lợn tăng cao, doanh thu của Dabaco đạt hơn 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 70% quý I, khoảng trên 240 tỷ. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, Dabaco lãi sau thuế hơn 593 tỷ đồng, doanh thu 4.483 tỷ.

Tương tự, Công ty cổ phần Nông súc sản Đồng Nai (Dolico) cũng báo lãi trước thuế vượt 141% kế hoạch năm với 39 tỷ đồng trong quý I. Cả năm 2019, Dolico chỉ lãi 27 tỷ đồng. Công ty này cho biết doanh thu và lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất giống lợn, chăn nuôi lợn, gà cũng đi lên.

Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco cũng báo doanh đạt trên 93 tỷ đồng, tăng 34%, lãi 24 tỷ đồng. Mức lãi quý I này tăng khoảng 500% so với cùng kỳ năm 2019.

Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cũng cho biết doanh thu thuần quý I tăng gần 21% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.453 tỷ đồng. Vissan báo lãi gần 47 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ 2019.

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lãi lớn, tuy nhiên không phải ai trong chuỗi cung ứng thịt lợn cũng được hưởng lợi. Nhiều tiểu thương ở chợ truyền thống cho biết giá thịt lợn tăng cao khiến nhu cầu về thịt giảm hẳn. Trong khi đó, số vốn bỏ ra để kinh doanh lại tăng hiều hơn. Người bán không dám nhập nhiều hàng về, cũng không dám ăn chênh lệch quá lớn, bởi nếu vậy thì lại càng kén người mua.

Các kênh phân phối hiện đại hơn như siêu thị, cửa hàng tiện lợi… thì vẫn đầy đủ nguồn cung thịt lợn với giá bán thường cao hơn chợ truyền thống. Mức chiết khấu mà kênh này nhận được nhiều hay ít vẫn còn là con số mà công chúng chưa được biết tới.

Loay hoay giảm giá

Dịch vụ tắm lợn từng rất phát triển dọc tuyến đường 1A chạy từ Bắc Giang tới Lạng Sơn. Vào khoảng 2016, đầu 2017, khi việc xuất lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc được giá cao, nhiều tiểu thương thu mua lợn ở các vùng chăn nuôi lớn như Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, thậm chí ở cả Đồng Nai… để lên biên giới bán.

Lợn được vận chuyển bằng ôtô tải, và phải được tắm thường xuyên để giữ sức, tránh đau ốm và chết. Do đó, dịch vụ tắm lợn từng khiến nhiều gia đình dọc quốc lộ ăn nên làm ra.

Từng dư thừa nguồn cung thịt lợn đến mức có thể ồ ạt xuất tiểu ngạch, đến nay, không thể ngờ Việt Nam phải đi nhập khẩu thịt lợn để bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong nước.

{keywords}
 

Kể từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay, chưa có khi nào vấn đề thịt lợn được quan tâm và nhắc đến nhiều như hiện tại. Thịt lợn được nhắc đến ở các phiên họp thường kỳ Chính phủ, họp Ban chỉ đạo điều hành giá đến diễn đàn Quốc hội.

Giá thịt lợn đang gây ảnh hưởng khá lớn đến chỉ số CPI, làm gia tăng lạm phát. Từ đó có thể dẫn đến gây mất ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, giá thịt lợn tăng cao đang khiến người tiêu dùng phải cân đối chi tiêu nhiều hơn, ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu gia đình, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch Covid-19.

Do đó, bài toàn hạ nhiệt giá thịt lợn từng được người đứng đầu Chính phủ nhiều lần chỉ đạo gay gắt. Tuy nhiên, thịt lợn không phải là mặt hàng được Nhà nước quản lý giá, mà thả nổi theo thị trường. Do đó, việc hạ giá thịt lợn đang được Bộ NNPTNT thực hiện theo hướng cân bằng cung - cầu thị trường. Tuy nhiên, việc này vẫn đang thực hiện loay hoay và chưa biết khi nào mới hạ được nhiệt.

Biện pháp tăng nguồn cung đầu tiên được Bộ NNPTNT đưa ra là tái đàn, tăng số lượng lợn trong nước. Cách này đang gặp khó khăn do dịch bệnh vẫn còn và nguồn vốn. Để tài đàn thì phải có con giống sạch bệnh và tiền mua con giống. Tiền mua lợn giống đang ở mức 2-3 triệu đồng/con loại 6-7 kg. Do đó, chi phí để người nuôi bỏ ra là khá lớn và mạo hiểm.

Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để tái đàn, nhưng khi dịch bệnh chưa được kiểm soát, đàn lợn có thể nhiễm bệnh và tiêu hủy bất cứ lúc nào. Nếu tái đàn thành công, khi chi phí con giống và chăn nuôi cao thì vẫn không thể bán lợn với giá quá rẻ.

Cách tăng cung tiếp theo đang được Bộ NNPTNT áp dụng mạnh là nhập khẩu thịt lợn đông lạnh. Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam thường là thịt lợn ấm (nghĩa là lợn tươi) nên tiêu thụ không mạnh.

Cách tiếp theo đang được áp dụng là nhập khẩu thịt lợn sống từ Thái Lan về giết mổ. Cách này bước đầu làm giá lợn hạ nhiệt. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển, kiểm dịch, giết mổ đang khiến giá lợn đến tay người tiêu dùng cũng không hề rẻ. Ngoài ra, giá lợn tại Thái Lan đang tăng sau tin Việt Nam nhập khẩu cũng là một trở ngại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng cho rằng bình ổn giá thịt lợn, nhưng không giảm xuống quá sâu. Cần cân bằng lợi ích, hài hòa giữa người tiêu dùng và người chăn nuôi. Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn người dân đa dạng hóa các loại thịt, san sẻ rổ thực phẩm với thịt lợn. Ông cho biết đến cuối 2020 thì đàn lợn mới phục hồi mốc 31 triệu con, bằng với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Khi đó, người tiêu dùng có thể mong thịt lợn hơi về mốc 50.000-60.000 đồng/kg.

Ở Thường Tín, gia đình ông Nguyễn Minh mới tổ chức cưới cho con gái sau thời gian giãn cách xã hội. Vì tục lệ ở quê, ông vẫn phải đãi cỗ chủ yếu bằng thịt lợn. Hai con lợn nặng gần 2 tạ được mổ với chi phí gần 20 triệu đồng. Ông chỉ tiếc sao con gái không cưới sớm hơn, vào cuộc "giải cứu thịt lợn" năm 2017, số tiền bỏ ra chắc chỉ khoảng 4 triệu đồng.

Còn vợ ông thì nói vui: "Nếu nghĩ vậy thì chẳng lẽ hoãn cưới con gái đến cuối năm để đợi giá lợn giảm xuống. Mà chắc đã giảm như trên TV nói".

(Theo Zing)