Sau khi được các bác sĩ đặt nội khí quản, dẫn lưu màng tim, bệnh nhi được chuyển cấp cứu từ Quảng Ninh đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tiếp tục điều trị.

Trẻ vào khoa Cấp cứu và Chống độc trong tình trạng rất nguy kịch. Các bác sĩ đã phải kích hoạt báo động đỏ gồm nhiều thầy thuốc từ các khoa: cấp cứu, gây mê, hồi sức nội tim mạch, hồi sức ngoại tim mạch, ngoại tim mạch, ngoại chỉnh hình và chẩn đoán hình ảnh…

Các bác sĩ ngay lập tức tiến hành hồi sức cấp cứu, đặt cathater tĩnh mạch trung tâm, đặt động mạch, truyền máu, bù dịch và hội chẩn để mổ cấp cứu giúp bệnh nhân qua giai đoạn nguy kịch.

Sau mổ bệnh nhi được chăm sóc tích cực tại khoa Điều trị tích cực Ngoại. Đến ngày 30/6, bệnh nhi sức khỏe dần ổn định, tiếp tục theo dõi tại viện.

Thăm khám cho bệnh nhi bị tai nạn giao thông điều trị tại khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Hiếu

Một trường hợp khác là bệnh nhi H.P (4 tuổi, ở Hà Nội) gặp nạn hy hữu khi cùng bà đi xe đạp trên đường. Thời điểm em đi qua một ngôi nhà đang tháo dỡ, bất ngờ bị mảng tường đổ sập vào người. Trẻ vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng chảy máu nhiều vùng mũi, rách sàn mũi hai bên, rách vùng mí trái, rách lưỡi phức tạp. Sau thời gian điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe dần ổn định.

Ngày 30/6, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết hơn 2 tuần trở lại đây, lượng bệnh nhi bị tai nạn thương tích nhập viện tăng so với thời điểm trước khi học sinh nghỉ hè.

Theo các bác sĩ, trẻ nhỏ từ 2 đến 5 tuổi thường gặp tai nạn thương tích tại nhà như ngã, bỏng, hóc dị vật, uống nhầm hóa chất…; còn đối với trẻ từ 6 đến 14 tuổi thường gặp tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông.  

Các bác sĩ cho biết thêm trước đó trong tháng 5, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận một số trẻ nhập viện điều trị do ngã, bỏng, đuối nước…, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.