Cơ hội mở cửa trở lại

Sáng 15/10 tại Tọa đàm “Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19”, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết, ở thời điểm gần hết năm 2021 nhưng đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng các tác động vô cùng nặng nề tới mọi mặt của đời sống, kinh tế và xã hội gần hai năm qua. Du lịch và lữ hành được nhận định là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.

Có thể nói, chưa khi nào ngành du lịch và lữ hành trải qua khó khăn như lúc này, đặc biệt đợt dịch bùng phát lần thứ 4 từ trước dịp nghỉ lễ 30/4, kéo dài đến nay đã khiến du lịch và lữ hành tê liệt, ông nhấn mạnh.

Theo ông Minh, sau thời gian dồn lực chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt nhất, triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế.

Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.

Ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Trước đó, kế hoạch thí điểm thu hút khách quốc tế đến Phú Quốc đã được Bộ Chính trị đồng ý tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó chủ trương nghiên cứu thí điểm sử dụng "hộ chiếu vắc xin" với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (Kiên Giang).

{keywords}
Ngành du lịch đang tìm cách phục hồi trở lại trong điều kiện bình thường mới (ảnh: BH)

Ông Minh cho rằng, đây là cơ hội để du lịch và lữ hành được hoạt động trở lại, không chỉ với du lịch trong nước mà cả du lịch quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ năm 2020 đến 9 tháng 2021, du lịch là ngành bị tổn thất nặng nề. Việc làm trong ngành bị đứt gãy do không có khách nên buộc phải cắt giảm lao động, buộc phải giãn cách dẫn tới người lao động không có việc làm. Các doanh nghiệp phải rút giấy phép, xin ngừng hoạt động liên tục tăng. Hiện chỉ còn lại một phần rất ít doanh nghiệp còn trụ vững, giữ thương hiệu để chờ thời điểm phục hồi.

Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh, ở góc độ quản lý Nhà nước, phải tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai đưa thông điệp mạnh mẽ, nhất quán với doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức với tinh thần tạo điều kiện tối đa nhất để doanh nghiệp được trở lại hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào kinh tế - xã hội của từng địa phương, góp phần cùng quốc gia mang lại giá trị kinh tế trong bối cảnh khó khăn.

Theo ông, qua khảo sát sơ bộ, tâm lý người đi du lịch đã có sự thay đổi. Nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình. Bộ đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần mỗi tỉnh phải có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch: Nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang được Chính phủ giao trách nhiệm tham mưu và cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trong đó, nhóm nhiệm vụ lĩnh vực về du lịch - dịch vụ là nhóm ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng. Vì vậy, Bộ đang tiếp cận theo hướng nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch.

Kích hoạt đồng loạt các giải pháp

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong bối cảnh tạo sự phục hồi hoạt động du lịch, Tổng cục đã chủ động nghiên cứu và tham mưu cho lãnh đạo Bộ triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, cũng như phối hợp các địa phương bàn thảo các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch nội địa.

Trước mắt là du lịch nội tỉnh của các địa phương đã kiểm soát được dịch, tiến đến đón khách từ các địa phương khác sau khi dịch đã được kiểm soát với những tiêu chí cụ thể. Tiếp đó là đón khách du lịch quốc tế sau khi có kết quả đánh giá của việc triển khai thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc.

Theo ông, để gỡ khó cho ngành du lịch cũng như người lao động cần phải có giải pháp về nhóm chính sách tài khoá. Theo đó, cần ưu đãi về tín dụng cho các doanh nghiệp được vay vốn vượt qua khó khăn, chi trả lương cho người lao động để thu hút họ ở lại với doanh nghiệp, rồi có kinh phí để xây dựng các sản phẩm mới thích ứng với môi trường mới.

“Bên cạnh đó là chính sách tài chính. Chúng tôi liên tục đề xuất với Bộ Tài chính có điều chỉnh giảm thuế, phí, lệ phí, để giảm bớt gánh nặng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này”, ông nói.

Thời gian qua đã giảm tiền điện cho cơ sở kinh doanh và kéo dài đến năm 2021. Ông Khánh kiến nghị kéo dài thời gian áp dụng chính sách này đến năm 2022, thậm chí đến 2023. Cùng với đó là giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch…

Theo bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Vietravel, về chính sách vĩ mô, cần sự thống nhất, đồng bộ chung trong cả nước. Đó là điều kiện tiên quyết để du lịch phục hồi. Nếu không có những giải pháp tổng thể mà để các địa phương mỗi nơi một chính sách thì việc triển khai sẽ rất khó khăn.

Trong Nghị quyết 128 cũng có đề cập đến vắc xin hiện nay là điều kiện tiên quyết. Rõ ràng việc đánh giá lại tỷ lệ vắc xin ở tất cả các địa phương để đưa ra các chính sách và bản đồ vắc xin của toàn khu vực là điều kiện rất quan trọng để người dân và du khách thấy được sự an toàn và bình an của khu vực. 

Lãnh đạo các địa phương cũng cho rằng, để, khôi phục ngành du lịch cần có bộ tiêu chí hoạt động đón, phục vụ khách thống nhất trên toàn quốc. Các tỉnh cũng bắt đầu xây dựng kịch bản mở cửa hoạt động du lịch để thích ứng với tình hình mới.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhấn mạnh, an toàn trong du lịch là vấn đề quan trọng nhất hiện nay, vì hành khách sẽ chỉ đi du lịch trong điều kiện được bảo đảm an toàn. Đó là lý do ngành du lịch đã đưa ra bốn tiêu chí cho sự an toàn là vắc xin, 5K, công nghệ và truyền thông, tương đối phù hợp với tình hình hiện này.

Cũng theo ông Bình, một yếu tố quan trọng là người thực hiện các tiêu chí của an toàn này phải thật sự nghiêm túc triển khai vì một quyền lợi chung của cả cộng đồng, chứ không nên có tâm lý “tranh thủ”, “bóp méo” để vận dụng vì lợi ích cá nhân. Các công ty lữ hành cần chịu trách nhiệm với những quyết định lựa chọn khách hàng.

“Hiện tại, chúng ta đã sẵn sàng nhưng tôi xin đề xuất thêm là tập trung tiêm vắc xin cho những trọng điểm. Trao ngành du lịch thẩm quyền được chọn các trọng điểm, xác định các điểm an toàn, qua đó các bộ ngành liên quan có thể ủng hộ và hỗ trợ”, ông Bình nhán mạnh. 

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Hà Giang