Anh Tới (SN 1985, một lao động tự do tại Nam Định) cho biết bản thân từng trải qua rất nhiều nghề như chạy xe ba gác, làm máy cày, máy gặt,... để có nguồn thu nhập chăm sóc cuộc sống gia đình 5 người. Cách đây 3 năm, anh được một người thân rủ đầu tư hệ thống máy bơm cát để san lấp mặt bằng các công trình trên địa bàn.
Lao động tự do trong ngành xây dựng là lực lượng dễ bị tổn thương khi cơn bão Covid-19 ập đến |
Chi phí đầu tư máy móc và đường ống hơn 50 triệu đồng, bên cạnh đó anh cũng thuê thêm 2 người nữa làm cùng. Do đây là công việc khá nặng nhọc với những người lao động chân tay nên mức tiền công mỗi người từ 250.000-300.000 đồng/ngày. Nhờ chi phí san lấp rẻ (25.000đ/mét khối cát) nên đội san lấp của anh nhận được rất nhiều công trình mỗi tháng.
Ông bố 3 con cho biết mỗi tháng đội của mình thường đi làm khoảng 20 đến 23 ngày, tính ra thu nhập của những người làm cùng từ 4,5 đến 7 triệu đồng/tháng. Còn anh, với việc góp tiền đầu tư máy móc để làm nên thu nhập mỗi ngày trung bình khoảng 1 triệu đồng sau khi đã trừ đi hết các chi phí. Có những ngày đi hút nước để bơm cát san lấp nền, công trình cho nhà dân, đội của anh còn tranh thủ lúc chờ xe chở cát đến bắt được rất nhiều cá, tôm, cua, ốc ở những con kênh thủy lợi ở cánh đồng làng. Điều này góp phần vào việc cải thiện bữa cơm của gia đình những ngày sau đó.
Sau hơn 1 năm chăm chỉ làm lụng, năm 2018 anh chị tích lũy được số tiền đáng kể và vay mượn thêm anh em, họ hàng trong gia đình để cất nên ngôi nhà 2 tầng với diện tích mỗi sàn 70m2. Anh Tới chia sẻ, nếu công việc của mình thuận lợi thì chỉ cần làm trong 2 năm là có thể trả hết tiền nợ vay xây nhà của mình.
Tuy nhiên, dự tính của ông bố 35 tuổi đã không thể trở thành hiện thực khi Việt Nam xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu năm 2020. Theo anh Tới, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu, nhiều gia đình đã dừng kế hoạch xây dựng nhà mới, nhu cầu san lấp nền công trình cũng trở nên ít hơn.
Từ đầu năm 2020 đến nay, mỗi tháng đội san lấp của anh chỉ còn đi làm khoảng 5 đến 7 ngày. Bên cạnh đó, mức thu nhập của mỗi người cũng giảm bởi khối lượng công việc chỉ bằng 60 đến 70% so với trước đây. Ông bố 3 con cho biết từ việc có thể để ra được cả chục triệu mỗi tháng thì với những ảnh hưởng của dịch Covid-19 giờ kiếm mỗi tháng 4-5 triệu đồng để chăm lo cho cuộc sống gia đình 5 người của anh cũng là rất vất vả bởi ở vùng nông thôn không có nhiều công việc làm thêm như thành thị.
Anh Tới cho biết, để cải thiện thu nhập và bữa cơm gia đình, mấy tháng nay anh đã đầu tư vài triệu đồng mua ít lưới và đó để thả ở những cánh đồng trên địa bàn huyện. Những ngày đi thả đó ở cánh đồng các xã khác thì phải trông đêm khá vất vả nhưng thu nhập cũng chỉ khoảng 200.000đ. Những người làm cùng anh giờ ít việc cũng phải tranh thủ kiếm thêm việc thời vụ khác, phù hợp với độ tuổi của mình để làm, nhằm tăng thu nhập cho bản thân.
Một người học cùng với Tới là anh Huy đang làm dịch vụ cho thuê xe du lịch, cưới hỏi, lễ hội,... cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Theo anh Huy, những năm trước dịp đầu năm, mùa hè và mùa cưới cuối năm thì những người cho thuê xe như anh làm không hết việc do nhu cầu đi lại, thuê xe của người dân tăng cao. Thu nhập của những người làm dịch vụ cho thuê xe du lịch, lễ hội,... có thể lên tới vài chục triệu đồng/tháng. Để các dịch vụ của mình tốt hơn, nên cuối năm 2019 đã dồn hết tiền tiết kiệm và vay thêm ngân hàng để đầu tư mua thêm xe chạy dịch vụ.
Những người làm trong ngành cho thuê xe du lịch cũng có một năm khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 |
Tuy nhiên, dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 khiến nhu cầu lễ hội, du lịch của người dân gần như “đóng băng” trong suốt 4 tháng đầu năm khiến thu nhập của anh lao dốc không phanh. Có tháng phải vay tiền người quen để đóng lãi mua xe cho ngân hàng. Công việc của anh chỉ tạm “khởi sắc” trong tháng 5 và 6 vừa qua khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh. Nhưng kể từ khi Đà Nẵng công bố những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thì nhu cầu đi du lịch của người dân một lần nữa chững lại. Những người làm dịch vụ xe du lịch như anh một lần nữa đối mặt với tình trạng “thất nghiệp” tạm thời.
Anh Huy hy vọng, thời gian tới khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và bước vào mùa cưới cuối năm nhu cầu thuê xe của người dân sẽ tăng trở lại để có thể tranh thủ “cày cuốc” nhằm cải thiện thu nhập của gia đình và có thể trả bớt nợ mua xe với ngân hàng.
Với anh Tới, anh cũng hy vọng khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng của người dân sẽ tăng ổn định lại như những năm gần đây. Điều này không chỉ giúp anh và đội thợ của mình có việc làm và có thu nhập trở lại mà còn góp phần rất lớn vào việc tạo công ăn việc làm cho những lao động tự do khác trong ngành xây dựng như buôn bán sắt thép, vật liệu xây dựng, thợ sơn, thợ đổ bê tông, thợ gỗ, thợ nhôm, thậm chí cả những người làm trong nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống,...
(Theo Dân Việt)