- Tiết kiệm 100 đồng/tháng xem ra chẳng có nghĩa lý gì so với thời gian hiện nay. Tuy nhiên, điều này lại đang được nhiều bạn trẻ áp dụng không chỉ để gói ghém chi tiêu trong thời giá đắt đỏ mà còn học cách quản lý tài chính cá nhân về sau để tránh những khoản nợ nần khiến bản thân phá sản.
Qua khảo sát của một chương trình đào quản lý tài sản cá nhân (MoneyMinded) được thực hiện bởi Viện Kinh tế và thương mại quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương cho thấy đa số các sinh viên hiện nay đều không có kế hoạch chi tiêu tài chính hàng tháng cho bản thân, nếu có chỉ ngắn hạn trong 1 -2 tuần trước mắt và tình trạng chung đều rơi vào thiếu hụt và nợ nần vào cuối tháng. Thậm chí, với một số người khoản nợ còn tăng lên chồng chất.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, nguyên nhân là do các sinh viên không có những kiến thức về hoạch định tài chính cho tương lai cũng như thiết lập một thói quen tiết kiệm. Vì thế, việc cải thiện các kiến thức và kỹ năng này sẽ tạo ra một tương lai tài chính lành mạnh cho bản thân mỗi sinh viên trong hiện tại và tương lai.
“Việc tiết kiệm 100 – 500 ngàn mỗi tháng tưởng như không có ý nghĩa nhưng so với khoản thu nhập 2 -3 triệu mỗi tháng từ trợ cấp gia đình và làm thêm là một tỷ lệ không hề nhỏ. Như vậy, mỗi sinh viên sẽ có một khoản tiền tích trữ và dự phòng. Nhưng quan trọng hơn qua đó mỗi người đã biết đích xác mình đang có bao nhiều tiền, cần chi tiêu việc gì và cần cắt giảm khoản nào”, chuyên gia thực hiện khảo sát cho biết.
Thực tế, sau khi cập nhật các kiến thức về quản lý chi tiêu, có 80% đối tượng cho thấy quản lý chi tiêu tốt hơn, 77% nắm rõ các khoản chi tiêu hàng ngày và gần 80% chi trả mọi hóa đơn đúng hạn.
Đặc biệt, ý thức và nỗ lực tiết kiệm đã được nâng lên. Số người trẻ tuổi cho rằng họ không thể tiết kiệm đã giảm từ 25,6% xuống còn 8,7%. Số người thường xuyên tiết kiệm đã tăng gấp đôi lên 26,9%.
Theo ông Tareq Mahud, điều quan trọng không phải là số tiền tiết kiệm được bao nhiều mà việc nắm được ý thức quản lý tài chính các nhân sẽ giúp bạn trẻ chủ động tài chính trong cuộc sống và bớt căng thẳng về tương lai. Nhờ đó, các bạn sẽ không rơi vào tình trạng nợ nần và phá sản như đã xảy ra với công dân nhiều nước trong các đợt khủng hoảng vừa qua.
Trao đổi về việc này, nhiều sinh viên cho hay đã biết kiềm chế bản thân để không mua sắm quá tay. Thậm chí, nếu em gái đòi mua những thứ không cần thiết như một chiếc điện thoại cũng sẽ từ chối ngay lập tức.
"Đơn giản là hàng tháng sau khi gia đình gửi số tiền đủ cho chúng tôi sinh hoạt, tôi đã biết chính xác mình sẽ trả bao nhiều tiền cho các chi phí thuê nhà, tiền điện thoại và các chi phí khác. Tôi sẽ từ kiềm chế mọi chi tiêu bất hợp lý, từ chối mọi yêu cầu thậm chí là thận trọng khi cho vay để có thể để lại một khoản tiết kiệm. Dù đó là 100 hay 500 ngàn đồng", một sinh viên cho hay.
Trong khi đó, một bạn trẻ tiết lộ: "Từ khoản tiền tiết kiệm 500 ngàn mỗi tháng sau một thời gian tôi đã có đủ một khoản vốn để mở một tiệm bánh vỉa hè nhỏ. Bắt đầu một ước mơ khởi nghiệp".
Ngọc Sơn