Ô nhiễm môi trường biển là hiện tượng nước biển bị thay đổi tính chất do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Việc này sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới các chỉ số sinh hóa của nước biển và gây hại tới sức khỏe con người cũng như các sinh vật sống trên biển. Việc nguồn nước biển bị ô nhiễm sẽ khiến cho các loài sinh vật sống dưới biển có nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, cảnh quan, hệ sinh thái của biển cũng gặp phải nhiều tác động tiêu cực và ảnh hưởng nặng nề.
Hàng ngày có hàng tấn rác thải cùng với lượng nước thải ô nhiễm chưa được xử lý đổ ra biển, đặc biệt là những nơi người dân sống vùng ven biển. Các nhà máy, công xưởng cũng xả nước thải cùng với những hóa chất độc hại ra biển không những làm cho biển ô nhiễm mà còn có tác hại xấu đến sức khỏe con người và những loài sinh vật sống ở đây.
Ô nhiễm môi trường biển còn xảy ra ở một số cảng hàng hải do tàu thuyền ra vào nhiều, đổ rác thải... một số cảng biển còn có lượng thủy ngân vượt quá mức cho phép. Nhiều người dân còn đánh bắt cá bằng cách sử dụng bom mìn gây ra rất nhiều chất hóa học có hại...
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, một trong những thách thức trong triển khai chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam hiện nay là thực trạng ô nhiễm rác thải trên các vùng biển Việt Nam. Điều này đe dọa đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản từ đó tác động đến sinh kế của hàng triệu ngư dân Việt Nam. Do kinh tế xã hội phát triển nên ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển. Nhu cầu nhận chìm vật, chất ra biển ngày càng tăng, trong khi chúng ta chỉ dự kiến đổ trong vùng lãnh hải, gần bờ. Hiện Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về ô nhiễm rác thải biển (marine debris), đặc biệt là rác thải nhựa.
Môi trường biển và hải đảo được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Tại Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2030 được Chính phủ đề ra là ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu 6 giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
Một là, thống nhất trong nhận thức và hành động, ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương, khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển cộng đồng văn minh sinh thái biển.
Hai là, triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách phù hợp để hạn chế rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển. Đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại các vùng biển xa bờ và đại dương, bảo đảm phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái.
Ba là, ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển.
Bốn là, tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới, khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển, nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu, nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới. Triển khai chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Năm là, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác và tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Sáu là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.