Thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Để có được những thành công đó, không thể không kể tới sự phối hợp nhịp nhàng, kịp thời và đồng bộ của các cơ quan chức năng như: Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính, Quân đội, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án,…

Thực tế chứng minh với sự phối hợp “đều tay” và thi hành nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng và tiêu cực.

Trước đây, trong công tác quản lý nhà nước, một số nơi, một số bộ phận còn có tư tưởng “cậy thế, cậy ngành” với những đặc thù riêng và các quy định về quyền hành “khu trú” dẫn tới việc thực hiện các nhiệm vụ chung chưa được đồng bộ. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 

Điều này được ví như hiện tượng “cua cậy càng, cá cậy vây” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu tại các hội nghị. Có thể thấy đó là biểu hiện của việc quyền lực nhà nước bị phân tán, tản mác và có nguy cơ “cát cứ” nếu không kiểm soát tốt về mặt vĩ mô. 

Hiến pháp nêu rõ: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Việc kiểm soát quyền lực là một vấn đề quan trọng. Đặc biệt, trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực để đấu tranh với một số nhóm lợi ích, cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật hết sức tinh vi, có quyền lực thì cần phải có sự phối hợp một cách chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng được Đảng phân công. 

Những cơ quan làm nhiệm vụ: Thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố và xét xử…là lực lượng đối trọng, có trong tay công cụ chuyên chế…đã giúp Đảng xử lý không ít các cá nhân, tổ chức tham nhũng, tiêu cực.

Trong cuộc họp thông báo kết quả của cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 27/4 vừa qua, Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử theo chỉ đạo của Tổng Bí thư đã khắc phục tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”.

Ông cũng khẳng định: “Kiểm soát quyền lực là một nét mới trong kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực”. 

Đó là kết quả thành công trong việc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước để cùng thực hiện một mục tiêu chung của Đảng về công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực. 

Có thể khẳng định để nét mới ấy biểu hiện rõ rệt và “chặt chẽ đến mức trong các cơ quan có cơ quan nào không muốn làm cũng không được”. Điều đó cho thấy sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với các cơ quan chức năng là rất cụ thể, quyết liệt. 

Điều này minh chứng cho việc muốn thực hiện thành công các mục tiêu chính trị của mình, Đảng thông qua bộ máy nhà nước lãnh đạo, cầm quyền một cách trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện. 

Những cơ quan chức năng trong bộ máy nhà nước thuộc nhánh hành pháp như: Thanh tra, Kiểm toán, Quân đội, Công an… phối hợp với các cơ quan thuộc nhánh Tư pháp như Tòa án, Viện Kiểm sát…để tiến hành hàng loạt các hoạt động như điều tra, xác minh, truy tố và xét xử các vụ việc có liên quan về về tham nhũng, tiêu cực. 

Như vậy, quyền lực chính trị của Đảng đang được tập trung một cách cao độ dưới sự chỉ đạo, đứng đầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thực hiện thành công các mục tiêu chính trị đã được đề ra. 

Trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, tiêu cực việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan chức năng cho thấy phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước được thực hiện một cách hiệu lực, hiệu quả, quyền lực chính trị chi phối, kiểm soát toàn bộ quyền lực nhà nước.

TS Cù Văn Trung

Khởi tố 8 cán bộ diện trung ương quản lý

Khởi tố 8 cán bộ diện trung ương quản lý

Theo Phó Ban Nội chính Trung ương, từ đầu năm đến nay đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý: 1 thứ trưởng; 1 nguyên thứ trưởng; 1 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; 5 sỹ quan cấp tướng.