Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT về kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản năm 2018, trong năm 2018, toàn ngành nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 70.592 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, phát hiện 5.223 cơ sở vi phạm và xử phạt 39,8 tỷ đồng.
Tại các địa phương, kết quả giám sát cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm ATTP của cơ sở và chỉ số ATTP các nhóm sản phẩm chủ lực so với năm 2017, 2016.
Cụ thể, không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol trong 477 mẫu thịt, 3.506 mẫu nước tiểu; phát hiện 271/2.060 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh (chiếm 13,1% giảm so với năm 2017 tỷ lệ là 26,7%); phát hiện 05/2.472 mẫu thịt tươi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh (chiếm 0,2% giảm so với năm 2017 là 0,63%, năm 2016 là 1,76%).
Nhiều mẫu thủy sản bị phát hiện tồn dư kháng sinh và vi phạm chỉ tiêu hóa chất |
Riêng tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 46 mẫu/3018 mẫu, chiếm 1,5% (tăng so với năm 2017 là 0,89%, năm 2016 là 1,07%).
Theo đó, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan và các địa phương yêu cầu truy xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và tăng cường kiểm soát trong sản xuất, lưu hành, sử dụng thuốc thú y, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Trong báo cáo, Bộ này cũng nêu rõ, dù kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm khá khả quan, song vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Đơn cử, hệ thống văn bản về quản lý ATTP đã được ban hành cơ bản đầy đủ tuy nhiên còn một số văn bản khi triển khai trong thực tiễn còn khó khăn do thiếu nguồn lực hoặc chưa sát thực tiễn.
Ở nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa chuyển hướng mạnh sang thanh tra đột xuất như chỉ đạo của Bộ và Chính phủ nên hiệu quả thanh tra không cao.
Trong khi đó, lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra về ATTP tại các địa phương vẫn còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn trong thực thi các nhiệm vụ theo phân công, phân cấp, đặc biệt là trong tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định ATTP đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; giết mổ không đảm bảo vệ sinh, ATTP... còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo ATTP cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
B.H