Triển khai Đề án “Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”, tỉnh Kiên Giang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện. 

Sở Tư pháp được tỉnh giao rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về trợ giúp pháp lý cho người dân...

tiep can pl.jpg
Nhiều lớp tập huấn thu hút đông đảo cán bộ, tuyên truyền viên.

Thời gian qua, ngành tư pháp tỉnh Kiên Giang đã đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, bám sát nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện; kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Cùng với đó, Sở Tư pháp chú trọng củng cố, đào tạo đội ngũ tuyên truyền ngày càng vững mạnh để giúp người dân tiếp cận pháp luật. Nhiều lớp tập huấn thu hút đông đảo cán bộ, tuyên truyền viên.

Điển hình như Hội nghị Tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Kiên Giang tổ chức ngày 22/9 vừa qua. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được Báo cáo viên pháp luật của Sở Tư pháp triển khai các chuyên đề về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Bên cạnh những kiến thức lý luận, đại biểu còn được báo cáo viên giải đáp những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được giao trong thời gian tới.

Đồng thời, báo cáo viên cũng hướng dẫn tuyên truyền viên thông tin, truyền thông thường xuyên, liên tục bằng các hình thức phù hợp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội để người dân hiểu được sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Truyền thông về hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số trong tuyên truyền pháp luật nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận pháp luật của người dân. 

Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả; xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật là trách nhiệm của các ngành, các cấp, của từng cán bộ, công chức và mỗi người dân.

Triển khai kịp thời, đầy đủ các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; pháp luật về đất đai, dân sự; khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng…

Hoài Thanh và nhóm PV, BTV