Huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang hiện có khoảng 18% hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện có 983 hộ nghèo, 2.689 hộ cận nghèo; trong đó có 343 hộ nghèo, 769 hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Giồng Riềng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 170.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó khoảng 28% lao động chưa qua đào tạo, không có việc làm ổn định. Trước thực trạng trên, huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhân dân.

Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện chủ động phối hợp các xã, thị trấn khảo sát, điều tra chất lượng nguồn nhân lực, nhu cầu học nghề của lực lượng lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động và thị trường lao động. Đồng thời, chú trọng liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người lao động.

anh man hinh 2024 02 25 luc 160249.png
Kiên Giang ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động dân tộc thiểu số.

Từ đầu năm đến nay, huyện Giồng Riềng phối hợp Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang và Trường Trung cấp nghề Tân Hiệp ở huyện Tân Hiệp tổ chức được 23 lớp đào tạo nghề với 627 người tham gia; trong đó có 8 lớp nghề từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Các lớp dạy nghề được tổ chức tại các xã, thị trấn để đồng bào thuận tiện theo học với các ngành nghề như đan sản phẩm từ tre, trúc, lục bình, dây nhựa; bó chổi; tin học văn phòng; trang điểm; chăm sóc da…

Với những giải pháp thiết thực, 9 tháng đầu năm 2023, huyện Giồng Riềng giải quyết việc làm cho gần 5.200 lao động, trong đó có nhiều lao động là người dân tộc thiểu số, đạt 102,9% kế hoạch.

Với mục tiêu huyện không còn hộ nghèo, thời gian tới, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Giồng Riềng tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và thị trường lao động; phân bổ, sử dụng tốt nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để giải quyết nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn, miền núi.

Cùng với đó, huyện Giồng Riềng chủ trương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt các chính sách khuyến khích hỗ trợ học nghề đối với lao động nông thôn, lao động đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp các trường nghề nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. 

Đào Lý và nhóm PV, BTV