Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025" sẽ được tích hợp nội dung thành một tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Lâu nay, hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyến thống vẫn phổ biến dai dẳng ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm chất lượng dân số và nguồn nhân lực của địa phương nói riêng và cả nước nói chung…
Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước xác định đây là vấn đề cấp bách cần giải quyết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tránh vùng này tiếp tục bị tụt hậu xa hơn so với cả nước.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025". Ngay sau khi Đề án được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Kế hoạch triển khai và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án.
Qua 5 năm (2015-2020) triển khai thực hiện Đề án, bước đầu thu được một số kết quả khá khả quan. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống, đến nay đã giảm 4,7% so với năm 2014 (năm 2014 là 26,6%, năm 2018 là 21,9%; bình quân mỗi năm giảm 0,94%/năm). Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của 53 dân tộc thiểu số là 0,56%, so với tỉ lệ người dân tộc thiểu số kết hôn cận huyết thống năm 2014 là 0,65% đã giảm 0,1% (bình quân mỗi năm giảm 0,02%/năm).
Theo số liệu Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Tây Nguyên tuy vẫn tiếp tục có tỉ lệ tảo hôn cao nhất, năm 2018 là 27,5% nhưng cũng đã giảm 2,1% so với năm 2014; tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% (giảm 5,1 % so với năm 2014) và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 22,4% (giảm 3,2% so với năm 2014). Đồng bằng sông Hồng, nơi không có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống (3,3%), là vùng có tỷ lệ người dân tộc thiểu số tảo hôn thấp nhất cả nước năm 2018 (7,8%)...
Nhiều địa phương đã thành lập và triển khai thực hiện mô hình điểm, ở nơi có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao, đã góp phần thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình, từ đó có sự thay đổi trong hành vi góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở địa phương.
Các tỉnh đã xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình và các câu lạc bộ lên tới 2.892 mô hình điểm tại 3.481 xã, thôn, bản, buôn. Tổ chức 211.805 cuộc tư vấn, tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 494.838 lượt đồng bào tại các xã thực hiện mô hình điểm. Tổ chức ký cam kết không kết hôn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã thực hiện mô hình điểm.
Các câu lạc bộ mô hình này hoạt động tương đối hiệu quả, nhiều cặp tảo hôn được can thiệp kịp thời, được tuyên truyền phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình và tác hại của việc tảo hôn, làm cho giới trẻ nhận thức đúng đắn hơn và có trách nhiệm trong hôn nhân gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế bất cập như: Tỉ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm nhưng tuổi kết hôn trung bình của người dân tộc thiểu số tảo hôn còn thấp (năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ).
Với việc được tích hợp thành một tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ là cơ sở để sớm xóa bỏ được hủ tục này.
Phạm Thiện, Thanh Hà, Lê Thúy, Huy Linh, Mai Hương