Không chỉ ghi dấu bởi 36 phố phường nhộn nhịp, mà văn hoá làng được ông cha từ xa xưa để lại đã góp phần hình thành một nét kiên trúc độc đáo của thủ đô Hà Nội.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam từng khẳng định: “Lịch sử Hà Nội là lịch sử phát triển của một đô thị từ làng lên phố và trong phố có làng”.
Cho đến tận bây giờ, giữa nhịp sống hối hả của phố phường, giữa những toà nhà cao tầng, đâu đó ở Hà Nội vẫn thấp thoáng những chiếc cổng làng rêu phong, cổ kính. Nhiều cổng làng nằm giữa lòng Thủ đô vẫn giữ được nét đẹp riêng, không chỉ đơn thuần về kiến trúc, còn là trầm tích văn hóa của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến cần được gìn giữ, bảo tồn.
KTS Nguyễn Địch Long - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, người có nhiều nghiên cứu về cổng làng cho hay: Hà Nội từ 5 cửa ô nối đến những làng cận đô thành mạng lưới giao thông dày đặc, ở đó đã tồn tại gần 300 cổng làng Việt cổ. Số cổng làng tuy đã giảm nhiều so với thuở nguyên khai nhưng Hà Nội vẫn đứng đầu so với các tỉnh, thành trong khắp cả nước, trong số đó, rất nhiều cổng đã tồn tại trên 100 năm, mang trong mình giá trị văn hóa, kiến trúc đặc biệt.
Song theo thời gian, kiến trúc, cảnh quan quê ấy đang đổi thay cùng sự vận động của xã hội. Nét đẹp truyền thống làng đang dần bị xoá mất đi. Không chỉ có những hàng cây xanh, những chiếc ao, hồ mà nhiều chiếc cổng làng đã bị phá bỏ để thay vào đó là những con đường nhựa, những nhà cửa đua nhau mọc san sát.
Thực tế thời gian qua đã cho thấy, những chuyển biến tích cực về đời sống kinh tế, khi người dân càng có điều kiện xây dựng các công trình mới thì bộ mặt kiến trúc làng càng xa rời bản sắc truyền thống. Những ao làng, hệ thống cây xanh và những chiếc cổng làng, chợ phiên dần bị mất đi hoặc chìm khuất trong các công trình bê tông.
Mấy năm trở lại đây, việc chỉnh trang, xây dựng nông thôn mới đang thực hiện trên phạm vi toàn TP, ở nhiều huyện xuất hiện việc xây mới, phục dựng cổng làng. Đây là việc làm thiết thực, góp phần tô điểm cho làng quê Hà Nội thêm khang trang, đồng thời khôi phục phát triển nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt xưa.
Tuy nhiên, điều đáng bàn, do không có một quy định cụ thể nào nên việc xây dựng cổng làng đang diễn ra tự phát, quy mô, kiểu dáng mỗi nơi một khác. Giảng viên Nguyễn Thị Thanh Mai - Khoa Văn hóa học, trường Đại học Văn hóa đánh giá: “Có một điều rất tiếc là nhiều cổng làng đang bị rơi vào tình trạng phô trương, đem đến rất nhiều yếu tố đương đại làm mất đi giá trị riêng có, cái hồn của những chứng tích”.
Làm sao để bảo tồn được nét đẹp văn hoá làng đã trở thành di sản của cha ông đã tồn tại từ bao đời nay, đã trở thành "đặc sản" của kiến trúc Hà Nội? Câu hỏi này cho thấy những thách thức về giữ gìn bản sắc kiến trúc của Hà Nội, buộc công tác quy hoạch, kiến trúc cần phải nhanh hơn nữa để bắt kịp sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong xu thế hội nhập và đổi mới như ngày nay, Đảng và Nhà nước luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Chiến lược và định hướng phát triển văn hóa dân tộc một lần nữa còn được khẳng định trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam... Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại".
Chủ trương này là kim chỉ nam để công tác quy hoạch, kiến trúc của thủ đô dọn mình, sớm bắt kịp xu thế phát triển của kinh tế - xã hội, của đời sống đương đại. Chỉ như vậy Hà Nội mới có thể bảo tồn được hồn cốt của "một đô thị từ làng lên phố và trong phố có làng”.